Thờ ơ là tội lỗi!

(Dân trí) - “Tôi không thể hiểu được một giáo viên đã được đào tạo sư phạm, có kỹ năng, có nghiệp vụ lại hành xử như thế. Cô giáo và nhà trường chưa nắm vững nghiệp vụ sư phạm... Đây là hành động xúc phạm học sinh, vi phạm quyền trẻ em”.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đó là lời của ThS Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP. HCM.
 
Chuyện bắt đầu từ việc cô giáo Th. của Trường tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP. HCM mất tiền. Nghi cho Lại Thị Thẳm, một học sinh lớp 2 lấy trộm, nhà trường đã mời công an xã đến tra hỏi rồi đưa em học sinh này về trụ sở. Oái oăm thay, đến chiều thì cô giáo phát hiện tiền của mình… không mất mà vẫn còn ở một ngăn trong giỏ.

Câu chuyện tưởng như không lớn nhưng lại đặt ra một vấn đề không nhỏ. Đó là sự ấu trĩ của nhà trường cũng như những người thi hành công vụ đối với một học sinh lớp 2.

Có thể nói đây là việc làm vừa thiếu kỹ năng, vừa thiếu sự hiểu biết pháp luật cần thiết. Đặc biệt, Thẳm vốn là một cô bé có hoàn cảnh rất đáng thương. Em không được thông minh, hoạt bát như người bình thường. Bố mẹ li dị, phải ở với bà ngoại thương binh 3/4, tuổi đã ngoại 60, gia đình kinh tế rất nghèo túng. Một số phận không may mắn như thế, đáng lý phải nhận được sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc từ phía nhà trường và chính quyền. Thế nhưng...!
Trở lại sự việc trên, giả sử nếu cô giáo Th. không tìm thấy tiền thì sự oan khuất mà em Thắm phải gánh chịu còn lớn đến bao nhiêu? 

Không chỉ dừng ở đấy, lực lượng an ninh của xã còn tra hỏi căng thẳng khiến Thẳm hoảng loạn khai nhận lung tung. Lối thoát duy nhất cho em khi đó là buộc phải thừa nhận mình có lấy tiền để được yên thân. 

Trong Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em 2009 nghiêm cấm: “Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật”. Tại Luật này, Điều 26.2 còn qui định: “Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Một điều đáng suy ngẫm là khi dẫn em về trụ sở để “hỏi cung”, tại sao nhà trường đã không cử người giám hộ cho em và tại sao công an xã được phép bắt em về trụ sở mà không có người giám hộ? 

Câu hỏi đặt ra là vì sao dẫn đến sự việc này và giải quyết như thế nào?

Nguyên nhân trước hết là cách hành xử thiếu kỹ năng giáo dục, thiếu bình tĩnh của cô Th. Thứ hai, là sự thiếu hiểu biết pháp luật của cả nhà trường và cán bộ công an xã.

Để giải quyết sự vệc này, ngoài việc nhà trường và cô Th. công khai xin lỗi em Thẳm trước toàn trường còn cần phải kiểm điểm nghiêm khắc đối với những người liên quan. Tuy nhiên về sâu xa, Bộ GD&ĐT cũng như chính quyền địa phương cần phải nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho giáo viên và những người thực thi công vụ. Có lẽ sự thiếu hiểu biết về pháp luật chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cách hành xử của nhà trường và chính quyền địa phương.

Một điều nữa rất nên làm là nhà trường nên tổ chức quyên góp đồ dùng học tập cho em Thẳm.

Thờ ơ với số phận trẻ thơ bất hạnh là tội lỗi!

Khi tôi viết đến những chữ cuối cùng của bài này, được biết bà ngoại Thẳm là thương binh ¾, từng bị đi tù trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập báo Dân trí, Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam đã quyết định trích 05 triệu đồng từ Quỹ Vòng tay đồng đội chuyển đến gia đình em Thẳm. Quỹ VTĐĐ do Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khởi xướng nhằm giúp đỡ những con em thương bệnh binh và cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

 

Bùi Hoàng Tám

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!