Thầy còn không có “lửa”, sao mong trò có “khói”?

(Dân trí) - Nói thật là với phương cách chép sử, chương trình và sách giáo khoa cùng với phương cách truyền dạy sử như hiện nay, trò không chán mới lạ!

Thầy còn không có “lửa”, sao mong trò có “khói”? - 1

Báo Dân trí cho biết, theo dữ liệu chấm thi THPT quốc gia 2018 từ các địa phương, điểm môn Lịch sử "rớt" một cách thê thảm. Việc này khiến nhiều người sốc, cảm giác lo lắng song lại không hề bất ngờ bởi nói thẳng là với giáo trình, sách giáo khoa, cách dạy và cách học, cách thi hiện nay, học trò không chán mới là lạ.

Chương trình khô cứng, sách giáo khoa vụn vặt. Thầy cô thì ít lửa. Nhu cầu xã hội bị xem nhẹ vì không thiết yếu. Các nhà quản lý thì áp đặt… là những gì đã và đang diễn ra với môn Lịch sử học đường.

Đã từng có nhiều ý kiến tâm huyết hiến kế cho ngành giáo dục.

Là người “ngoại đạo”, tuy nhiên theo người viết bài này, để không chỉ học sinh thích học sử, thầy giáo thích dạy sử mà cả cộng đồng xã hội yêu mến môn lịch sử thì yêu cầu thứ nhất đặt ra đối với những nhà chép sử là phải khách quan, trung thực, khoa học, không đươc phép “sáng tác” ra các sự kiện lịch sử với bất cứ lý do, mục đích gì.

Thứ hai đối với xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa là phải xác định đúng vị thế của môn lịch sử và có dẫn chứng sinh động từ thực tế.

Về việc này, sinh thời cố GS. Phan Huy Lê đã từng nói rất hay rằng: “Chúng ta chỉ nhìn thấy môn Sử bị đối xử như là môn phụ, thi cũng được, không thi cũng được. Rồi dạy ở phổ thông hiện nay gần như là tóm tắt lịch sử của người lớn và bắt trẻ con phải học, các em chán nản là phải thôi”.

Yêu cầu thứ ba là vai trò của thầy cô giáo trong việc truyền bá lịch sử. Nói một cách dân gian, thầy có “lửa” chưa chắc trò đã có “khói”. Một khi thầy không có “lửa” thì làm sao đòi hỏi trò có “khói”? Mặt khác, cũng phải nhắc lại rằng chương trình khô cứng, sách giáo khoa vụn vặt và kể lể thì ngay cả thầy cũng không muốn dạy chứ đừng nói gì chuyện trò muốn học.

Điều thứ tư cũng hết sức quan trọng, đó là trả lời câu hỏi: Học sử để làm gì? Nếu học sử chỉ để nhớ sự kiện này, sự kiện khác thì điều đó là lỗi thời bởi “Cái gì không biết thì tra google”.

Cũng phải công bằng, trong một thế giới phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật như hiện nay, những môn khoa học xã hội có phần lép vế trước các môn khoa học tự nhiên.

Nói thật là với phương cách chép sử, chương trình và sách giáo khoa cùng với phương cách truyền dạy sử như hiện nay, trò không chán mới lạ!

Bùi Hoàng Tám