“Thảm đỏ”, “thảm xanh” đừng thành.... “thảm kịch”!

(Dân trí) - Hãy bỏ bớt đi những khẩu hiệu “thảm đỏ, thảm vàng” mà điều trước tiên, cần thiết hơn đừng để tài năng lâm vào “thảm kịch”. Cái “hạt giống tài năng” vốn đã ít ỏi thì cần lắm một mảnh đất tốt và sự nâng niu, tất nhiên không phải bằng lời nói

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vấn đề nhân tài và đào tạo nhân tài chưa bao giờ cũ với Việt Nam chúng ta, một đất nước được (và tự) coi mình là thông minh thì vấn đề này lại càng bức xúc. Nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật và nền kinh tế trí thức như hiện nay.

Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các bộ ngành, địa phương tổ chức ngày 28/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói thẳng:

“Chúng ta nói nhiều về việc thừa kỹ sư, cử nhân khi có 170.000 người thất nghiệp. Nhưng tôi có thể khẳng định, chúng ta không sợ đào tạo quá nhiều mà chỉ sợ chất lượng kỹ sư chúng ta kém mà thôi. Bởi vì, phải có kỹ sư thì người ta mới vào đầu tư. Cách đây vài năm khi Intel vào tìm hiểu, kiểm tra, chỉ có 8% kỹ sư của mình đạt yêu cầu. Chính vì thế, phải tăng cường chất lượng đào tạo".

Rất đúng! Tài năng của chúng ta đang thiếu hụt một cách trầm trọng.

Nhưng trước hết, cũng cần nói một cách sòng phẳng rằng đã từ lâu, chúng ta luôn “tự ru” mình bằng những câu cửa miệng như “đất nước ta rừng vàng biển bạc, con người Việt Nam thông minh, tài giỏi”…

Có lẽ đã đến lúc mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại, đặc biệt về cái gọi là “thông minh, tài giỏi”.

Hãy đặt câu hỏi, có thật người Việt Nam ta tài giỏi không? Nếu nói không thì sai đến 100% nhưng nếu nói rằng, chúng ta thông minh, tài giỏi hơn những dân tộc khác thì đó là “tự sướng” đến 1001%.

Nhìn lại những thành tựu khoa học của nhân loại, chúng ta có những gì? Cái gì và ai làm nên một tên tuổi Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới?

Ngay lúc này đây, một Ngô Bảo Châu, một Đàm Thanh Sơn, một Vũ Hà Văn… và còn ai nữa? Rồi kể cả những nhân vật trên, thành tựu của họ là gì so với thế giới? Họ thành đạt ở đâu? Nhờ ai mà họ thành đạt?...

Thế nên hãy sòng phẳng, có lẽ cái “thông minh, tài giỏi” của chúng ta ở mức trung bình. Nói theo ngôn ngữ dân gian, “Trông lên thì chẳng bằng ai” nhưng trông xuống thì cũng… có người không bằng mình.

Tài năng đã hiếm, nhưng tài năng không tự sinh ra mà qua đào tạo, bồi dưỡng. Giống như cái cây, hạt giống tốt cần có mảnh đất tốt, người gieo trồng tốt.

Một hạt giống tốt sẽ chẳng thể nảy mầm nếu gieo trên mảnh đất cằn khô. Một cái cây chẳng thể lớn nếu không có bàn tay chăm bón. Thậm chí, hạt giống tốt, mảnh đất tốt mà thiếu bàn tay chăm sóc thì cái cây đó cũng chỉ là cây hoang dại.

Trong khi đó, chúng ta chỉ có những “hạt giống trung bình” muốn có được cái cây tốt càng cần lắm một mảnh đất tốt và bàn tay người chăm bón tận tâm.

Thế nhưng mảnh đất của chúng ta đã tốt chưa? Người gieo trồng của chúng ta đã tốt chưa? Đây là câu hỏi không khó để trả lời bởi nếu có được những điều đó, chúng ta đã không thiếu tài năng như hôm nay.

Hãy nhìn lại con số mà 8% mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu và năng suất lao động bằng 1/15 người Singapore, 1/8 người Thái Lan mà báo chí gần đây luôn nhắc tới.

Ngược lại, chúng ta đang thừa, thừa rất nhiều những người vô dụng, bất tài, thiếu năng lực và thiếu nhiệt tâm nhưng thiếu trầm trọng những tài năng, thậm chí là khả năng và nhiệt huyết.

Vì sao vậy?

Câu trả lời không thể khác, chúng ta thiếu mảnh đất tốt và người chăm bón tốt. Chưa kể, người có năng lực nhiều khi còn bị ghen ghét, dìm hàng, cô lập…

Liệu Ngô Bảo Châu về Việt Nam có được làm gì hay chỉ một chức giáo viên quèn mà có thể cuối năm còn bị bình bầu là không hoàn thành nhiệm vụ?

Liệu Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn và những tài năng ở nước ngoài khác có được một chân công chức để “kiếm cái sổ hưu” với vài ba triệu đồng/tháng?

Hoàn toàn có thể có và cũng hoàn toàn có thể không.

Trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi cũng không khó có câu trả lời nhưng qui trách nhiệm mà làm gì nếu như chúng ta không quyết tâm sửa chữa?

Hãy bỏ bớt đi những khẩu hiệu “thảm đỏ, thảm vàng” mà điều trước tiên, cần thiết hơn đừng để tài năng lâm vào “thảm kịch”.

Cái “hạt giống tài năng” vốn đã ít ỏi thì cần lắm một mảnh đất tốt và sự nâng niu, tất nhiên không phải bằng lời nói.

Bùi Hoàng Tám