Tăng thuế xăng, môi trường có sạch hơn?

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin cuối tuần trước, Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000-8000 đồng so với khung thuế cũ là 1.000-4.000 đồng trong dự thảo mới được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường. Thực sự thì, tăng thu thuế như vậy, liệu môi trường có sạch hơn?


(Minh họa:Ngọc Diệp)

(Minh họa:Ngọc Diệp)

Việc tăng thu thuế BVMT với xăng dầu có thể dự báo được do thuế nhập khẩu với ô tô sẽ giảm mạnh, làm hụt đáng kể nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Chẳng thế mà Bộ Tài chính đã nêu rằng: Nhờ có điều chỉnh chính sách thu đối với một số tài nguyên khoáng sản và thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu nên nhiều khoản thu nội địa đạt mức cao, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngân sách Nhà nước.

Trong phiên thảo luận về kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 trước đây mà báo chí đã đưa tin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định, thuế BVMT với xăng dầu hiện nay nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10-20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay.

Vậy thì vấn đề chính ở đây cần được làm rõ, tăng thuế BVMT với xăng dầu là để nhằm giúp tăng thu cho NSNN hay thực sự là để bảo vệ môi trường?

Nếu để tăng thu cho ngân sách nhà nước thì có lẽ không nên chỉ có tăng thu vào thuế BVMT với xăng dầu, cho dù điều này là dễ dàng bởi Bộ Tài chính đã biết chắc, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, dù có đắt đỏ nên thậm chí 10 ngàn hay 15 ngàn đồng, người dân vẫn phải sử dụng dù phải tiết kiệm hơn. Bởi Nhà nước hoàn toàn có nhiều nguồn thu khác nữa bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và từ đó có nguồn tăng thu bền vững.

Còn nếu thực sự tăng thuế BVMT với xăng dầu để dùng toàn bộ nguồn thu tăng thêm ấy đầu tư cho việc làm xanh sạch môi trường thì chắc rằng, đa số người dân sẽ ủng hộ. Bởi môi trường không khí hiện nay đã thực sự ô nhiễm rất nặng ở nhiều nơi, nhất là các đô thị lớn và thực sự cần có nguồn lực tài chính lớn cho công việc này.

Nhưng lo ngại của người dân về việc nếu mỗi lít xăng lại "cõng" thêm thuế, lên mức 3.000-8.000 đồng như dự kiến của Bộ Tài chính, môi trường cũng không dễ được cải thiện không phải không có lý. Bằng chứng thực tế là trong những năm qua, mặc dù thuế BVMT với xăng, dầu đã tăng lên nhưng mức độ ô nhiễm môi trường vẫn tăng lên và những thông tin về việc số tiền thuế tăng thu được đã được sử dụng như thế nào để cải thiện môi trường vẫn chưa được công khai, minh bạch.

Một phép tính khá đơn giản là giả dụ cả nước có khoảng 2 triệu xe máy. Nếu cứ tính mỗi xe máy một tháng tiêu thụ 500 ngàn đồng tiền xăng thì với mức thu dự kiến trên, chỉ với xe gắn máy, Bộ Tài chính sẽ thu được vài trăm tỷ đồng/tháng. Một năm có hàng ngàn tỷ đồng thuế tăng thêm. Trong khi thực tế, số xe máy lớn hơn rất nhiều lần và các loại xe ô tô sử dụng lượng xăng, dầu khổng lồ thì số thuế thu được vô cùng lớn. Số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào, Bộ cũng cần công khai cho người dân được biết.

Hơn thế nữa, đã có những sự trùng lắp nhất định trong việc thu thuế BVMT vì với các loại xe ô tô, xe máy khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được tính thuế theo dung tích xe, theo tiêu chuẩn khí thải, tức là cũng tính thuế môi trường rồi. Khi người dân mua xăng để đi xe, lại tính thuế BVMT nữa. Vậy là thuế có chồng lên thuế?

Và không chỉ có xăng dầu, không chỉ có ô tô, xe máy, có nhiều ngành sản xuất khác, nhiều doanh nghiệp đã và đang "đóng góp" lớn vào mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay như sản xuất thép, hoá chất... thì liệu thuế, các mức phạt đánh vào các ngành, các lĩnh vực sản xuất này có cân bằng với mức thuế BVMT với xăng dầu không cũng là một câu hỏi lớn cần được Bộ Tài chính trả lời. Có những doanh nghiệp sản xuất qui mô rất lớn, thực tế đã là thủ phạm những vụ ô nhiễm môi trường trên diện rộng, mức thuế, mức phạt đánh vào các doanh nghiệp này đã đủ bù đắp mức độ ô nhiễm hay chưa, thì điều đó, nhiều người dân đều đã thấy.

Hiện nay, tỷ lệ thuế trong giá xăng dầu của Việt Nam thuộc loại rất cao so với nhiều nước trên thế giới (trên 50%): Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu... nay lại tăng thêm thuế BVMT sẽ càng làm cho chi phí xăng, dầu phục vụ việc đi lại của người dân, hoạt động vận tải, kinh doanh của các doanh nghiệp tăng cao. Các doanh nghiệp vận tải ngoài việc chịu chi phí cầu đường, phí BOT tăng sẽ càng khó khăn, kém sức cạnh tranh hơn là điều khá rõ ràng.

Ngoài ra, việc điều chỉnh thuế BVMT làm giá xăng dầu có thể cao hơn các nước xung quang lại có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu. Chênh lệch giá càng lớn, càng khiến buôn lậu xăng dầu khó kiểm soát, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước. Và điều này thực tế đã diễn ra trong những thời điểm giá xăng dầu Việt Nam tăng cao hơn nhiều giá xăng dầu tại Lào, Campuchia.

Do đó, việc điều chỉnh thuế BVMT với xăng dầu như dự kiến của Bộ Tài chính cần được cân nhắc, xem xét theo một bài toán tổng thể. Nếu là để tăng thu cho ngân sách thì cũng cần phải tính cho công bằng với các đối tượng nộp thuế khác.

Còn nếu hoàn toàn là để bảo vệ môi trường thì có thể dễ được người dân đồng tình hơn nhưng thực sự phải đảm bảo được, người dân chắc chắn được hưởng đúng giá trị mà họ đóng góp: Có được một môi trường sạch đúng nghĩa, chứ không thể đóng nhiều để rồi môi trường vẫn ô nhiễm nặng như hiện nay.

Mạnh Quân