Tâm sự của HLV Park Hang Seo, nghĩ về chuyện GDP

(Dân trí) - Hãy bắt tay ngay vào công việc và luôn ghi nhớ “sự nổi tiếng và quan tâm có thể biến mất bất cứ lúc nào”, “phải làm việc chăm chỉ hơn, không được tự mãn”. Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ. Vì thế, chúng ta cần phải chuyên cần hơn nữa, tiết kiệm hơn nữa… phải không các bạn?

Tâm sự của HLV Park Hang Seo, nghĩ về chuyện GDP - 1

Chuyện bóng đá đóng góp vào GDP với nhiều quốc gia là chuyện bình thường. Song với Việt Nam, điều đó còn xa vời và thậm chí, nó còn là một cuộc chơi tốn kém nhiều tiền bạc.

Vì thế, người viết bài này không bàn chuyện bóng đá làm kinh tế mà cũng không bàn chuyện HLV Park Hang Seo luận bàn về kinh tế. Ở đây, chỉ là sự liên tưởng khi Việt Nam ta đã đạt được một số thành công trong hai lĩnh vực: Bóng đá & Kinh tế.

Trước hết, xin nói thẳng suy nghĩ về thành công của bóng đá Việt Nam mà cụ thể là chuyện U23.

Phải khẳng định, chiếc HCB U23 châu Á vừa qua là một kỳ tích mang tính lịch sử đối với nền bóng đá nước nhà. Nó vượt ra ngoài sự tưởng tượng của 90 triệu dân Việt Nam.

Song, cũng xin nói thẳng thứ nhất, đây chỉ là chiến thẳng của U23 chứ không phải là đội tuyển. Nó có gì đó tương tự như các cuộc thi Olympic của học sinh trung học.

Thứ hai, mới đứng thứ nhì, huy chương màu bạc chứ chưa phải màu vàng.

Thứ ba, châu Á là vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới. Ví dụ đội vô địch Uzbekistan đọ sức với một đội bóng U23 tầm tầm của châu Âu chẳng hạn, biết đâu tỉ số lại chả… như một trận quần vợt?

Thứ tư, như đã nói ở trên, bóng đá Việt Nam chưa “đẻ” ra tiền bạc. Nó mới thuần túy là thắng lợi tinh thần.

Thứ năm, như một câu nói quen thuộc trong bóng đá “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới vĩnh viễn”. Với chiến thắng vừa qua và với trình độ bóng đá Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa đạt tới tầm đẳng cấp để “vĩnh viễn”.

Chính vì thế, ngay sau những ngày tháng tưng bừng, ông HLV Park Hang Seo đã có những suy nghĩ rất chính xác khi bày tỏ: “Sau giải đấu, chúng tôi đã tổ chức các sự kiện ăn mừng trong một tuần lễ và chúng tôi cảm thấy sự nhiệt tình của mọi người. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm và chia sẻ. Nó cũng làm tôi có chút lo lắng về việc mình phải làm gì.

Tôi đã có những kinh nghiệm tương tự vào năm 2002 và biết rằng sự nổi tiếng và quan tâm có thể biến mất bất cứ lúc nào”.

HLV Park Hang Seo cũng khẳng định không tự mãn: “Tôi thường xuyên nói với họ (cầu thủ) trước khi thi đấu rằng: Kết quả ngày hôm nay không đồng nghĩa với thành công trong tương lai. Tất cả chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn, không được tự mãn”.

Giờ bàn về GDP.

Phải khẳng định GDP năm 2017 là một kỳ tích đáng phấn khởi. Điều này, minh chứng cho sự đúng đắn của đường lối, sâu sát trong điều hành và nỗ lực của toàn dân.

Song, nhìn thẳng vào thực tế, tổng thu nhập quốc dân nước ta còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người cũng chưa cao. Sự phát triển cũng chưa thể nói là bền vững…

Như ngôn ngữ bóng đá, nền kinh tế của chúng ta hiện chưa đạt tới tầm “đẳng cấp”.

Có lẽ thấu hiểu điều này nên chỉ tiêu phát triển năm 2018, Chính phủ chỉ xin đề xuất ở mức như năm 2017. Đây là sự thận trọng cần thiết và “biết mình”.

Ngay từ phiên họp đầu xuân mới vừa qua , Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải bắt tay ngay vào công việc một cách quyết liệt và cụ thể.

Còn với mỗi người dân, người viết bài này cho rằng nghỉ ngơi đủ rồi, vui chơi cũng đủ rồi và lễ tết cũng qua rồi.

Hãy bắt tay ngay vào công việc và luôn ghi nhớ “sự nổi tiếng và quan tâm có thể biến mất bất cứ lúc nào”, “phải làm việc chăm chỉ hơn, không được tự mãn”.

Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ. Vì thế, chúng ta cần phải chuyên cần hơn nữa, tiết kiệm hơn nữa… phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám