Suy tư từ tình trạng trẻ em bỏ học vì nghèo

(Dân trí) - Năm học 2013 – 2014, tỉnh An Giang có gần 5.000 học sinh bậc THCS và THPT bỏ học. Đó là thông tin trong bài “Một tỉnh có gần 5.000 học sinh bỏ học” trên báo báo Tuổi trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do nghèo.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 
Các em bỏ học theo cha mẹ làm thuê làm mướn hoặc ở nhà chăm em nhỏ, thầy Dương Minh Hùng - hiệu trưởng Trường THCS Đa Phước, huyện An Phú cho biết như vậy.

 

Không chỉ tỉnh An Giang, nhiều địa phương khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tình trạng tương tự. Khắp các tỉnh thuộc “vùng trũng giáo dục” này, có đông đảo lực lượng bán vé số là trẻ em, trông rất tội nghiệp. Cũng thầy Hùng kể thêm: “Không ít trường hợp cha mẹ bỏ lên Bình Dương kiếm sống, bây giờ kinh tế khó khăn, đồng lương không đủ chu cấp, ở nhà các em phải bỏ học đi bán vé số kiếm tiền lo cho ông bà đã già yếu để cùng nhau đắp đổi”.

 

Ở tuổi ăn tuổi học, nhưng các em phải lang thang ngoài đường với xấp vé số trên tay để kiếm cơm không chỉ riêng cho mình mà còn cho cả ông bà. Tương lai của những đứa trẻ này sẽ đi về đâu, một câu hỏi không chỉ dành riêng cho bản thân đứa bé và gia đình, mà còn cho đất nước này.

 

Cha mẹ các em bỏ xứ đi đến các tỉnh, thành phố công nghiệp để làm công nhân với đồng lương không đủ sống. Cha mẹ các em cũng là những đứa trẻ thất học trước đây, và hôm nay, các em là bản sao của họ. Không thoát ra được cái nghèo thì khó có thể không thất học, không có cái chữ thì đói nghèo. Cái vòng lẩn quẩn đó trói buộc hàng triệu người Việt Nam, không phải chỉ một bộ phận người dân ở tỉnh An Giang.

 

Ngược ra miền Trung, lên Tây Nguyên, rồi các tỉnh miền núi phía Bắc, học sinh bỏ học không ít. Mỗi năm có vài trăm ngàn trẻ em thất học, chỉ cần một thập kỷ, Việt Nam có hàng triệu người lao động trẻ nhưng không có cái chữ trong tay. Vậy thì, “dân số vàng” chẳng có ý nghĩa gì đối với nguồn nhân lực quốc gia.

 

Cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện là tất yếu, nhưng tỉ lệ công dân ở lứa tuổi học sinh, sinh viên thụ hưởng được cải cách đó là điều cần phải tính đến. Học sinh bỏ học vì nghèo nhiều như vậy thì hiệu quả của giáo dục không thể cao,  và trách nhiệm này không thuộc về ngành giáo dục.

 

Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai? Trẻ em thất học vì nghèo trước hết là trách nhiệm của cha mẹ các em, nhưng một đất nước quá nhiều người nghèo đến mức không có điều kiện cho con ăn học lại là chuyện khác. Một gia đình giàu hay nghèo là do tài trí của người chủ gia đình. Một đất nước giàu hay nghèo thì không phải là chuyện của một gia đình nữa.

 

Nghĩ tới nhiều thế hệ học sinh bỏ học vì nghèo mà thấy đau lòng, sốt ruột. Càng đau lòng và sốt ruột hơn khi  số tiền khổng lồ gây thiệt hại cho nhà nước được làm rõ tại các phiên tòa xét xử tham nhũng. Ai cũng có thể tính được, với số tiền mà quan tham gây thiệt hại đó, có thể lo cho cả chục triệu học sinh, sinh viên học hành tử tế trong nhiều năm.

 

Cho nên, nạn tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc phá hoại tài sản quốc gia, mà còn làm cho đất nước kiệt quệ, không đủ sức lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo con người.

 

Xét cho cùng, những đứa trẻ thất học, bỏ học vì nghèo cũng là nạn nhân của tham nhũng.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!