Chuyện các số nhà dài và những cái váy ngắn

(Dân trí) - Cái cần ngắn thì quá dài, dài đến lê thê. Cái nên dài thì quá ngắn, ngắn đến cũn cỡn. Đó là chuyện số nhà dài như một câu lục bát với hàng chục âm tiết ở Thị trấn Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh và những bộ bikini ngắn như câu thơ Haiku Nhật Bản của dàn tiếp viên trong một quán ăn ở khu vực Trần Thái Tông, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.


(MInh họa: Ngọc Diệp)

(MInh họa: Ngọc Diệp)

Thôi thì cái dài ưu tiên nói trước, cái ngắn nói sau vậy.

Về chuyện dài dằng dặc, có thể khẳng định nhiều số nhà ở Nhà Bè xứng đáng ghi vào sách kỉ lục thế giới. Ông Nguyễn Văn Tư, đồng thời cũng là chủ nhân sở hữu một trong những số nhà dài lê thê (1086/127/2/6/15/41) bình phẩm: “Tôi từng lái xe cho lãnh đạo đi nhiều nơi mà chưa từng gặp những số nhà dài đến mắc cười như ở đây. Đi làm hồ sơ thủ tục nhưng số nhà của mình thì không nhớ, còn người nghe đọc số là trợn mắt ngạc nhiên”.

Thế nhưng, chưa phải là kỉ lục. Nhiều người ở đây còn sở hữu những số nhà dài hơn thế, chưa kể còn cộng thêm các chữ cái A,B,C gì đó như các số nhà này chẳng hạn: “1806/127/2/6/15/48/2A” và “1806/127/2/6/15/48/2B”…

Thành thật, không biết với những người có hệ số IQ cao nhất thế giới như nhà thiên văn học Stephen Hawking (chỉ số IQ 160), Nhà bác học Albert Einstein (160-190), thậm chí, người có chỉ số IQ cao nhất thế giới là William James Sidis (250 – 300) nếu cư trú ở đây có nhớ nổi số nhà của chính mình không? Còn những người bình thường thì chắc chắn là chỉ còn nước bỏ địa chỉ nhà mình vào túi.

Nhưng khốn khổ nhất có lẽ là các cô (hoặc cậu) phát thanh viên của địa phương này. Chỉ đọc mỗi cái địa chỉ đã trẹo cả quai hàm.

Chợt nhớ dịp này năm ngoái (6/2015), Quốc hội đã bàn nát nước, nát cái về việc khống chế đặt tên không quá 25 ký tự. Khi đó, báo chí cho biết cũng tại Nhà Bè có một gia đình đặt tên con dài như… sông Sài Gòn. Đó là gia đình ông Lê Văn Bốn và bà Nguyễn Thị Tư ở xã Phước Kiểng. Trong 3 người con của ông bà Tư, người có tên dài nhất là cậu út “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân”. Người chị đầu có tên là “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn” và người chị kế có tên “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng”.

Chẳng biết với những cái tên như vậy thì trong chứng minh thư nhân dân hay hộ chiếu, lấy chỗ nào mà ghi cho đủ? Bây giờ bàn đến chuyện chiếc váy ngắn.

Theo phản ánh từ báo chí, tối ngày 08/05, tại một quán ăn ở khu vực Trần Thái Tông (Dịch Vọng - Cầu Giấy - Hà Nội) xuất hiện một dàn nhân viên nữ trẻ đứng phục vụ tại nhà hàng.

Điều làm thực khách bất ngờ là những cô nhân viên này chỉ diện trên mình duy nhất bộ bikini 2 mảnh khá gợi cảm. Họ đi lại xung quanh nhà hàng hết sức tự nhiên, không hề có một chút e dè hay ngượng ngùng.

Lý giải về việc này với báo chí, đại diện nhà hàng này cho biết, đây là một chương trình đặc biệt nhằm tri ân khách hàng.

Về cái gọi là “đặc biệt” để tri ân này, theo mình là… “mít đặc”. Nói “mít đặc” bởi biết đâu thực khách vì mải ngắm nghía vòng 1, vòng 2, vòng 3... mà sao lãng việc ẩm thực thì thức ăn ngon mấy cũng thành đồ bỏ.

Rồi thậm chí, các đấng mày râu khi ngắm nghía nhan sắc đã nuốt một bụng đầy… nước bọt, còn chỗ đâu mà chứa thức ăn, thức uống nữa. Lại chưa kể, họ còn bị phạt 40 triệu đồng vì vi phạm thuần phong, mỹ tục.

Tóm lại, giá như có sự hoán vị (đổi chỗ) thì sẽ hợp lý biết bao. Ví như các số nhà dài dằng dặc sẽ ngắn như cái bộ bikini của các tiếp viên và những cái váy của các nữ tiếp viên sẽ dài dằng dặc như các số nhà…

Mà biết đâu, đây chẳng là lời nhắn nhủ "ngắn dài" về chuyện “đúng qui trình” trong công tác cán bộ của ta?

Bùi Hoàng Tám