Sao tăng thuế bảo vệ môi trường trong khi vẫn còn nguồn thu hợp lý khác?

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, trong tuần qua, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hiện hành lên 3000-8000 đồng/lít. Xem ra lý lẽ nâng sắc thuế này còn rất yếu, chưa thuyết phục trong khi, nếu để tăng thu, ngành tài chính vẫn còn những nguồn thu hợp lý khác.

Sao tăng thuế bảo vệ môi trường trong khi vẫn còn nguồn thu hợp lý khác? - 1

Cụ thể trong dự thảo mới nhất về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường đều với mặt hàng xăng lên 3.000 - 8.000 đồng/lít.

Sự cố chấp của ngành tài chính vẫn vấp phải ý kiến phản đối mạnh mẽ của người dân bởi một trong những lý do của việc nâng khung thuế này là nhằm tăng thu cho ngân sách. Số tiền thuế dự kiến thu được có thể lên đến hàng chục và có thể đến 100 ngàn tỷ đồng, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề là nó không hoàn toàn được dùng cho đúng tên gọi của sắc thuế này, tức là "bảo vệ môi trường" mà có phần để bù đắp các khoản hụt thu ngân sách do thuế nhập khẩu giảm mạnh trong thời gian tới.

Và cũng có thực tế là trong những năm qua, dù khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường mới là 1000-4000 đồng/lít thì hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế thu được cũng không được giải trình đầy đủ là đã chi bao nhiêu để bảo vệ môi trường. Một số thông tin ban đầu được tiết lộ là thực tế, số tiền chi cho công việc này là không cao.

Cho đến nay, có lẽ chỉ còn Bộ Tài chính còn bảo lưu quan điểm giữ nguyên đề xuất khung thuế suất quá cao trên.

Bởi vì, một "đồng minh" trước đó của Bộ Tài chính là Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), Chủ tịch Hiệp hội này, ông Phan Thế Ruệ từng phát biểu là ủng hộ việc tăng thuế trên và nói rằng: Đóng thuế bảo vệ môi trường là "yêu nước".

Tuy nhiên, cho đến nay, VINPA cũng đã thay đổi quan điểm. Trong một văn bản gần nhất hóp ý về chính sách trên, Hiệp hội này cũng cho rằng khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000 đồng/lít) là "quá cao".

VINPA chỉ đề nghị mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; dầu diesel nâng từ 1.500 đồng/lít lên tối đa 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít lên 5.000 đồng/lít và dầu madut từ 900 đồng/kg lên tối đa 3.000 đồng/kg.

Mặc dù vậy, dù Bộ Tài chính có đồng tình với đề nghị của VINPA thì điều này cũng không làm yên lòng người đóng thuế.

Bởi lẽ, quy định thuế nào được đưa ra cũng chỉ nên thu, chi cho đúng tính chất của loại thuế đó thôi. Thu thuế bảo vệ môi trường mà lại để chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, cho mua sắm xe công, tổ chức hội nghị hội thảo... quả là sẽ rất khó "trôi" trong sự hiểu biết bình thường của bất cứ người dân nào.

Có lẽ là do sức ép phải tăng thu, bù đáp các khoản hụt chi hiện tại cũng như trong các năm tới khiến Bộ Tài chính không muốn "lùi" trong việc này.

Tuy nhiên, điều rất đáng ngạc nhiên là thực tế hiện nay, vẫn còn có những lĩnh vực có thể tăng thu, có thể thu được nhiều cho ngân sách mà ngành tài chính vẫn chưa quyết liệt đụng tới.

Ví dụ như thu thuế tài sản. Đây là một loại thuế mà theo một số đại biểu Quốc hội, nhiều nước hiện nay đã áp dụng và đó là một nguồn thu thuế lớn của các quốc gia. Nhưng đáng tiếc là cho nên nay, chưa có một dự thảo luật hay một đề xuất nào từ Bộ Tài chính được đưa vào chương trình xây dựng luật trong 1-2 năm tới cả.

Có Đại biểu Quốc hội như ông Hà Quang Hàm (Hà Nội) đã chính thức lên tiếng, hối thúc Bộ Tài chính đưa ra chính sách này tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua. Thực tế hiện nay, có không ít người có tài sản lớn. Ví dụ như nhà ở, có nhiều người có trên 2 nhà, thậm chí 5-7 nhà, nếu như ở các nước, sẽ phải nộp thuế rất lớn nhưng ở ta thì chưa.

Hay như kinh doanh trên mạng xã hội (facebook), hiện nay đã thành một xu hướng. Rất nhiều người kinh doanh có qui mô, doanh số lớn nhưng chưa nộp thuế. Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TPHCM cũng đã bắt đầu gây sức ép buộc các hộ kinh doanh trên facebook ở 2 thành phố này nộp thuế nhưng chủ yếu mới dừng ở lời kêu gọi và chưa có giải pháp bắt buộc.

Vậy thì Bộ Tài chính còn chờ gì nữa: Không tăng thu thuế bảo vệ môi trường hoặc có tăng, tăng ở mức hợp lý và chỉ sử dụng nguồn thu đó cho công tác bảo vệ môi trường, song song với việc đẩy mạnh các nguồn thu khác, tăng cường chống thất thu thuế, trốn thuế mà hiện nay, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ khẳng định, số thuế tồn đọng, phải truy thu cũng lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng?

Nếu giải quyết như vậy, vừa khiến người dân tin, ủng hộ chính sách thuế, vừa tăng được nguồn thu, chống thất thu, và ngành tài chính sẽ hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cân đối thu- chi ngân sách- một nhiệm vụ rất khó khăn ở thời điểm này.

Mạnh Quân