Sai khi sửa sai, còn một điều bị bỏ ngỏ…

(Dân trí) - Thái độ nóng vội, thiếu thận trọng, thiếu chính xác, đôi khi cộng với cả tâm lý kiểu “Thà nhầm còn hơn sót”… đã làm cho hành động chấn chỉnh sai sót, từ chỗ đúng dẫn tới chỗ sai gây bức xúc trong dư luận, hậu quả là dẫn đến nguy cơ bỏ ngỏ những điều sai đang cần phải sửa.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Câu chuyện Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra lệnh dừng lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975 và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang ra lệnh cấm lưu hành bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến đã được khép lại. Tuy nhiên, còn một điều đang bỏ ngỏ, điều chính là cơ sở để ra đời các quyết định này. Đó là việc lưu hành tác phẩm với những dị bản sai cả lời lẫn tên tác giả. Là việc sản xuất clip minh họa không phù hợp, vi phạm bản quyền trí tuệ. Nói rộng hơn, đó là thực trạng vi phạm bản quyền đáng báo động đang tồn tại trong hoạt động giải trí hiện nay.

Theo lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT & DL), quyết định tạm dừng lưu hành các ca khúc này là do chúng có nhiều dị bản khác nhau cộng với tên tác giả chưa chính xác. Còn theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, do nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ nên sản phẩm âm nhạc Màu hoa đỏ đang lưu hành trong hệ thống cơ sở karaoke trên địa bản tỉnh này cần phải được bóc gỡ, dừng lưu hành.

Những ai yêu thích hoạt động giải trí karaoke đều biết hiện tượng nhiều bài hát nổi tiếng bị cài đặt lời tùy tiện, không chính xác, một số clip minh họa bị dàn dựng cẩu thả, ngô nghê, thậm chí có clip cố tình “đánh tráo khái niệm” làm sai lệch tinh thần của tác giả và tác phẩm (nhất là những clip minh họa các bài hát về chiến tranh và người lính).

Do phạm sai lầm trong quá trình tiến hành sửa sai mà cụ thể ở đây là việc đảm bảo lưu hành các tác phẩm theo đúng nguyên tác, không có sự vi phạm bản quyền, việc ghi âm, ghi hình và biểu diễn các ca khúc phải trên cơ sở đảm bảo trung thành với nguyên tác… đã gây ra làn sóng phản đối với những hiểu nhầm “chết người”. Buộc một trong 2 cơ quan chức năng này đã phải rút lại quyết định của mình.

Vấn đề ở đây là, do chỉ hướng sự quan tâm, phản đối của mình vào hành động không chính xác của cơ quan chức năng trong khi sửa sai, dư luận đã bỏ qua việc lên án cái sai cần phải sửa của hoạt động âm nhạc, giải trí hiện nay.

Dư luận, với muôn kiểu ý kiến như: “Cả một hội đồng nghệ thuật lao tâm khổ tứ đi soi mói các bài hát”; “Cấm thì cứ cấm! Nhưng người yêu nhạc vẫn hát, vẫn nghe thì làm gì được!”… hay nhạo báng “Biết rằng không cho đi, khách qua đường cứ đi, sợ gì không dám đi!”… thậm chí quy chụp “Đơn giản chỉ là do ganh ghét của một nhóm quyền lực nào đó trong lĩnh vực âm nhạc”… đã làm cái sai bị lu mờ, bị lãng quên.

Dư luận cũng tạo ra tâm lý ngại hành động trong những người thực thi chức năng, vì có một thực tế: cái sai chắc gì mọi người đã biết, nhưng người sửa sai thì chắc chắn có nguy cơ bị đối đầu với dư luận.

Chúng ta phản đối tư duy cứng nhắc, tâm lý độc đoán thiếu hiểu biết, thái độ kỳ thị đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng chúng ta cũng cần phải đảm bảo quyền tác giả được thực thi, nhất là khi chúng ta đã là một trong những quốc gia ký Công ước Berne về việc bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Có thể nói, chuyện sai khi sửa sai vừa diễn ra đã được giải thích và sửa chữa rốt ráo. Nhưng còn chính điều sai? Liệu có vì thái độ của dư luận mà tiếp tục tồn tại?

Cát Thụy