Qui định vi hiến và chuyện “cầm đèn chạy trước... luật pháp”!

(Dân trí) - Trong một nhà nước pháp quyền thì việc tôn trọng luật pháp phải là điều kiện tiên quyết. Nếu luật chưa phù hợp thì đề nghị sửa luật chứ không được phép “cầm đèn chạy trước… luật pháp”.

Qui định vi hiến và chuyện “cầm đèn chạy trước... luật pháp”! - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một đề tài đang được tranh luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, đó là đề xuất của Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ-Đường sắt, Công an TP Hà Nội. Ông Thắng nói:

“Mỗi công dân chỉ được sở hữu một xe ô tô và một biển số, nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông”.

Ngay lập tức, dư luận “dậy sóng” với hai luồng dư luận trái chiều nhau với tỉ lệ không phải “một chín, một mười” mà là một gần mười và một… hơn mười. Trong một thăm dò của Dân trí, tại thời điểm 0 giờ ngày 21/1, trong tổng số 4004 người tham gia, có 50,25% đồng tình và 49,75% phản đối với đề xuất này.

Về lý do đồng tình và phản đối, mỗi bên đều đưa ra những lập luận rất chặt chẽ và logic. Ví như bên đồng ý thì cho rằng việc làm này đảm bảo chắc chắn cho quyền sở hữu cá nhân và công tác quản lý nhà nước đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, phía phản đối cho rằng lý do giảm ùn tắc giao thông là không hợp lý vì dù có hai hay ba xe thì khi ra đường, mỗi người cũng chỉ sử dụng một chiếc. Còn việc quản lý, không nên lặp lại cách hành xử “không quản được thì cấm” đã lỗi thời.

Tuy nhiên, có hai ý kiến rất đáng chú ý, đó là của Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an). Tuy cho biết, Bộ Công an chưa có ý kiến chính thức về việc này, song ông Quân nói:

“Tôi cho rằng cái đó cũng rất tốt, khi người dân mua xe khác vẫn được sử dụng chiếc biển số đó, CSGT sẽ nắm được thông tin về chủ sở hữu phương tiện tốt hơn. Cũng giống như việc sở hữu sim điện thoại, dù thay bao nhiêu điện thoại thì vẫn dùng một chiếc sim đó thôi… Chủ phương tiện đăng ký được số biển đẹp nhưng khi đổi xe phải đổi cả biển thì sẽ tiếc. Nước ngoài họ đã lựa chọn áp dụng thì chắc chắn họ đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự đánh giá đầy đủ. Như ở Mỹ, người ta đăng ký luôn tên của chủ phương tiện lên biển đăng ký xe”.

Tuy nhiên, về phía không đồng tình, trên báo Dân trí, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng luật An Phát Phạm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng người đưa ra đề xuất “mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô” chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về quyền con người, quyền công dân bởi theo Hiến pháp 2013 quy định quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Bộ luật dân sự năm 2015 cũng khẳng định: Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.

“Như vậy, nếu không chứng minh hay thuyết phục được rằng một công dân sở hữu nhiều hơn một xe ô tô sẽ làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì đưa ra quy định “mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe ô tô sẽ là vi hiến”. Ông Phát nói.

Chợt nhớ lại chuyện xảy ra cách đây khoảng 12 năm. Khi đó, Bộ Công an ban hành Thông tư 02 qui định mỗi người chỉ được đăng ký quyền sở hữu một xe máy. Sau đó, cuối năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu đích danh Thông tư 02 thực chất đã hạn chế quyền sở hữu của công dân. Theo quy định tại Điều 58 Hiến pháp và Điều 221 Bộ luật Dân sự, công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số lượng, giá trị. Và tất nhiên, Thông tư 02 này sau đó đã bị bãi bỏ.

Song, hệ lụy của nó thì cho đến nay vẫn chưa hết bởi tại Hà Nội, ngay lập tức ra đời một dịch vụ “mua lốt” từ các huyện ngoại thành về bán lại cho những công dân Thủ đô đã từng sở hữu một chiếc xe và các công dân ngoại tỉnh không có hộ khẩu Thủ đô với giá từ 4 – 6 triệu đồng/xe. Giờ đây, không ít người vẫn còn sở hữu những chiếc xe mà trên giấy tờ là của những người xa lạ, chưa từng gặp mặt bao giờ.

Trở lại với hai luồng ý kiến trên, về cá nhân mình nhận thấy ý kiến của LS Phát là có lý. Lý do là bởi trong một nhà nước pháp quyền thì việc tôn trọng luật pháp phải là điều kiện tiên quyết. Nếu luật chưa phù hợp thì đề nghị sửa luật chứ không được phép “cầm đèn chạy trước… luật pháp”.

Vả lại, bài học từ 12 năm trước có lẽ vẫn còn chưa nguội, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám