Phương pháp “lò ấp” sẽ khiến Ba Vì không còn chỗ trống!

(Dân trí) - Rất đau, rất nhục nhưng tiếc thay lại… đúng, đó là hình ảnh cái “lò ấp” được dùng chỉ việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội vừa qua.

Phương pháp “lò ấp” sẽ khiến Ba Vì không còn chỗ trống! - 1

Nói đau bởi thạc sĩ, tiến sĩ là những học vị cao quý. Thời xưa, người đỗ tiến sĩ không chỉ là niềm vinh dự của dòng họ, miền đất mà còn lưu danh hậu thế, nhiều vị được ghi tên trên lưng rùa trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Việc học hành, thi cử cũng hết sức nghiêm ngặt, mỗi kỳ thi quốc gia thường do Nhà vua đứng đầu.

Thế mà giờ đây, lại bị coi như “lò ấp” lũ gà, vịt, ngan, ngỗng thì quá đau và hơn cả nỗi đau, là sự sỉ nhục. Nó còn xúc phạm những nhà khoa học với học vị chân chính. Song, dù "con sâu làm rầu nồi canh" và tiếc thay ở Học viện này, nó lại đúng đến 101%.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, chỉ trong vòng 3 năm (2015-2017), Học viện này chiêu sinh hơn 1.100 tiến sĩ, 4.800 thạc sĩ, tức là bình quân mỗi năm, có tới gần 400 tiến sĩ và 1.600 thạc sĩ, tức là mỗi ngày “xuất xưởng” hơn 1 tiến sĩ và cũng hơn 4 thạc sĩ.

Kinh. Con số “ra lò” thế này thì đúng là “lò ấp vịt gà” có khi cũng gọi bằng… sư phụ.

Để việc có được sự “sinh sản” này, người ta áp dụng cả phương pháp… “vô tính”, tức là rất nhiều “không” như “Đào tạo Thạc sĩ: Không có danh sách tên cán bộ chấm thi”, “Hội đồng đánh giá luận văn không đúng chuyên ngành”, “Tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành”.

Hơ! Đào tạo Thạc sĩ mà không có cán bộ chấm thi thì ai chấm nhỉ? Lạ,

Nhưng lạ hơn là “Hội đồng đánh giá luận văn không đúng chuyên ngành” bởi không biết nó có tương tự như ông Giáo sư Sản khoa đánh giá luận văn của học viên Nha khoa không nhỉ?

Nhưng rất may, bởi ngay cả học viên cũng “không đúng chuyên ngành” nên… hai cái sai bằng một cái đúng. Dẫu có “ông nói gà, bà nói vịt” cũng chẳng sao vì có ai biết gì về chuyên môn của nhau đâu?

Và vì chưa có chuẩn đầu ra với chuyên ngành tiến sĩ nên đánh giá thế nào chả được? Cũng bởi thế mới có chuyện, một Giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh. Độc đáo hơn, luận án còn thiếu xác nhận của người hướng dẫn, thiếu ý kiến nhận xét của người phản biện…

Nhớ lại cách đây mấy chục năm, có câu nói cửa miệng “Con bò lùa qua biên giới là thành Phó Tiến sĩ (học vị Tiến sĩ hiện nay)”. Giờ thì có lẽ “Con vịt lùa qua cổng Học viện ít nhất cũng thành… thạc sĩ”.

Trong một bài viết gửi Báo Dân trí, PGS.TS Ngô Tứ Thành, Viện Sư phạm kỹ thuật – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết có một số nơi: “Để “nồi cơm” luôn đầy, để vơ vét nguồn tuyển, các trường Đại học này không cho giảng viên trẻ được đi học cao học ở các trường Đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia HN… buộc giảng viên phải học Cao học tại Trường theo kiểu “của nhà trồng được”.

Té ra với các thày, còn là câu chuyện “nồi cơm”.

Còn với trò thì sao? Chắc có nhiều lý do nhưng có một lý do rất nguy hiểm, đó là một số cán bộ, công chức cần cái “mác”. Có thể khi học đại học, họ theo con đường tại chức, liên thông. Giờ, để “tẩy xóa” bằng cấp, họ học lên thạc sĩ rồi tiến sĩ. Càng nguy hiểm hơn, nếu nó trở thành “lá bùa” cho con đường thăng quan tiến chức.

Nếu như một khi bằng cấp được thực hiên bằng phương pháp “lò ấp”, chỉ cần “lùa qua cổng trường là thành tiến sĩ” thì tất nhiên, chất lượng cán bộ, công chức làm sao qua được tầm “gà, vịt”?

Nhớ lại cách đây ít lâu, đã có ý tưởng thành lập (hình như trên Ba Vì) một khu ghi danh tiến sĩ hiện đại trên bia đá. Nếu cứ đào tạo bằng phương pháp “lò ấp” của Học viện Xã hội vừa qua thì chả mấy chốc, nùi Ba Vì sẽ không còn chỗ trống và các núi đá sẽ chỉ còn trong… truyện kể!

Bùi Hoàng Tám