Nốt lặng sau những bảng vàng thành tích

(Dân trí) - Một tin vui vừa nhận được tối ngày 12/7 có thể nức làm hàng chục triệu người dân Việt Nam: Cả 6/6 thí sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 59 ở Rumania năm 2018 đều đoạt huy chương.

Nốt lặng sau những bảng vàng thành tích - 1

Và tự hào hơn nữa khi chúng ta có 1 Huy chương Vàng thuộc về em Nguyễn Quang Bin, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đây không phải là thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam trong những năm vừa qua, song đó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện, nỗ lực phấn đấu của các em, sự dày công của gia đình và các thầy cô giáo.

Xin chúc mừng và cảm ơn các em, các bậc phụ huynh, các nhà trường và ngành giáo dục! Niềm vui này không chỉ riêng các em mà của cả đất nước!

Các em đã bồi đắp thêm bảng thành tích, làm rạng danh nước nhà với tổng cộng 60 Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế trong suốt 42 năm tham dự sân chơi trí tuệ mang tính toàn cầu.

Từ cuộc thi này, chúng ta có Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, thí sinh đầu tiên trong đoàn Việt Nam giật hai giải vàng IMO liên tiếp (năm 1988 và 1989) - người sau này đã nổi tiếng toàn thế giới với việc chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands, công trình nghiên cứu giúp ông nhận giải Fields danh giá năm 2010.

Chúng ta cũng rất đỗi tự hào với những tên tuổi lớn: Đó là GS Nguyễn Tiến Dũng - người được Ủy ban Quốc gia Đại học của Pháp công nhận và phong giáo sư hạng đặc biệt. Là GS Lê Tự Quốc Thắng - người góp phần mở ra hướng mới cho ngành lý thuyết bất biến và đa tạp ba chiều. Là GS Phạm Hữu Tiệp - người có gần 100 công trình khoa học đăng ở các tạp chí lớn chuyên ngành trên thế giới. Là GS Vũ Kim Tuấn - chuyên gia hàng đầu về biến đổi tích phân, các hàm đặc biệt và giải tích số...

Và, có một điểm chung là phần lớn những nhân tài đó, sau khi đoạt giải IMO lại chọn con đường ra nước ngoài nghiên cứu và thành danh nơi đất khách.

Không có nhiều trường hợp như TS Lê Bá Khánh Trình – “cậu bé vàng của Toán học Việt Nam”, người duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán quốc tế, sau khi được tuyển thẳng vào khoa Toán – Cơ của ĐH Tổng hợp Lomomosov và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đã trở về Việt Nam làm một “thầy giáo” đơn thuần.

Không có nhiều trường hợp như TS Hoàng Lê Minh, PGS Phan Thị Hà Dương, dám từ bỏ sự nghiệp ở nước ngoài để trở về Việt Nam công tác.

“Chảy máu chất xám” trở thành một hiện tượng chung, một dấu chấm lửng (…) để lại sau những bảng vàng thành tích, một bài toán hàng chục năm qua chưa có một lời giải nào hợp lý để cho ra đáp án làm hài lòng tất cả.

Một người bạn đã nói với người viết khi chuẩn bị hoàn thành chương trình PhD (tiến sĩ) toán học tại Mỹ rằng: “Rất muốn trở về, nhưng không biết sau đó sẽ làm gì, thế nên mình ở lại”. Người bạn đó quan niệm trong một thế giới phẳng như bây giờ, dù có ở bất cứ đâu, trở thành một người tốt, có ích và cống hiến cho xã hội đã là điều đáng quý. Và nếu có thể thành công thì vẫn luôn tự hào là một người gốc Việt, đi ra từ luỹ tre làng.

Rõ ràng, nhân tài đất nước ta chưa bao giờ thiếu. Nhưng cũng sẽ thật đáng tiếc nếu mảnh đất chữ S xinh đẹp này chỉ là “lò đào tạo”, là nơi chắp cánh để các nhân tài ra đi, không trở lại. Không trở lại, không phải bởi vì không yêu nước, không nhớ quê hương, mà bởi nỗi sợ không có chỗ đứng, không thể phát triển, không có cơ hội cống hiến hết khả năng của mình.

Trong khi đó, chúng ta vẫn ngồi đây để nói về vai trò của trí tuệ ở đâu trong một công thức tuyển dụng là “4C” và “5 ệ”… Còn bài toán “thu hút nhân tài” thì chính quyền các nơi vẫn đang miệt mài tìm lời giải…

Bích Diệp