Nơi máu của người lính “không thể nào tan được”!

(Dân trí) - Khi Trung Quốc không ngừng lăm le xâm lấn biển Đông, khi mà mùa xuân sắp gõ cửa mỗi căn nhà thì hiếm có từ nào gần gũi và thiêng liêng như 4 tiếng: Hoàng Sa – Trường Sa! Đó là đường chân trời - Nơi máu của người lính “không thể nào tan được”…

 

Đường chân trời

 

Đường chân trời


Tôi nói cùng anh về đường chân trời
không phải giới hạn của mắt nhìn ra biển
không phải nơi xa vời chân đi không thể đến
không phải chốn bồng bềnh, hư ảo chân mây.

Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây
chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt 
là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết
người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi.

Là Cô Lin - Gạc Ma, sừng sững đường chân trời
sáu mươi tư chiến sĩ hải quân hy sinh vì nước 
máu các anh không thể nào tan được
giữa lớp lớp trùng khơi sóng vỗ bời bời.

Đường chân trời tôi đi từ những tiếng cười
những ánh mắt của trẻ thơ trên đảo
từ hàng cây bão táp, phong ba chịu nhiều gió bão
vẫn xanh hết màu xanh cho đảo hóa quê nhà.

Tôi vạch đường chân trời qua những giàn DK
người và sóng lắc lư trên biển
những người lính lấy thân mình làm bến
cho neo đậu niềm tin ở giữa đất liền.

Cho yên cả lòng mình nhớ vợ thương con
đường chân trời chạy qua bao số phận
người trên bờ mong trời yên biển lặng
người giữa khơi lo yên ổn ở nhà.

Tôi nói cùng anh từ quần đảo Trường Sa
đường chân trời xa ngoài trùng biển cả
đường chân trời gần trong vùng thương nhớ
suốt đời ta mang nợ những chân trời.
                

                                              Phạm Xuân Nguyên

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

 

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám tuyển chọn và giới thiệu.