Nỗi day dứt về “nạn” cấp phó!

(Dân trí) - Trong bài “Không để bộ máy biến thành nhà trẻ, Giám đốc sở bảo tách tỉnh thì 8 phó còn vất vả”, báo Lao động ngày 21/7 bàn về việc Sở NNPTNT Thanh Hóa có tới 8 ông phó đã dẫn lời ông Giám đốc Lê Như Tuấn, rằng “Các ban ở Trung ương họ có bao nhiêu phó? Anh ra hỏi cho tôi cái?".


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đương nhiên là cách giải thích như ông Tuấn trước đó đã nhận khối "gạch đá" của dư luận. Ông Tuấn nói, thêm phó là do nhu cầu công việc, do "mùa mưa bão sắp đến (việc bổ nhiệm thêm 2 phó giám đốc) có vấn đề gì đâu"; hay do Thanh Hóa đất rộng, người đông, có thể tách làm 2-3 tỉnh, ý nói việc nhiều cần nhiều lãnh đạo...

Tất cả các cách giải thích này đều không xuôi tai. Hiệu quả công việc đâu phải do ở chỗ cần phải nhiều người. Ngay ở Việt Nam, có nhiều tỉnh, thành phố, công việc nhiều đâu có kém Thanh Hoá, các sở cũng chỉ cần 2-3 phó giám đốc mà mọi việc được thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả hơn Thanh Hoá. Nó thể hiện qua chỉ số CPI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của nhiều tỉnh, thành phố có ít phó giám đốc sở hơn nhưng lại cao hơn Thanh Hóa rất nhiều.

Tuy nhiên, xem lại câu nói: "Các ban ở Trung ương họ có bao nhiêu phó, anh hỏi cho tôi cái?" của ông Tuấn thì quả thực đó là câu nói cũng chứa đầy nỗi day dứt về chuyện "cấp phó" hiện nay.

Bởi vì quả thật, ngay ở Trung ương, trong mấy năm nay, việc bổ nhiệm các phó nhiều nơi rõ ràng đã không được gương mẫu. Mặc dù hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định, mỗi bộ, ngành, số lượng Thứ trưởng tối đa là 4 nhưng hầu hết ở các bộ, số lượng Thứ trưởng hiện nay nhiều hơn con số quy định đó rất nhiều, có nơi nhiều gấp 2 hoặc hơn 2 lần con số trên.

Trước đây, vào website: Vpcp.Chinhphu.vn, phần giới thiệu tổ chức bộ máy, người ta thấy rất phản cảm với việc có một số vụ có trên 10 hàm Vụ trưởng, Vụ phó, hàm Vụ phó, thậm chí có Vụ có tới 14-15 Vụ phó và hàm Vụ phó mà chỉ có 3-4 chuyên viên. Hiện nay website này đã làm lại, một số vụ như Vụ Tổng hợp, Vụ Kinh tế ngành chỉ còn 3-4 Vụ phó. Nhưng thực ra, số người giữ chức hàm Vụ phó vẫn còn rất nhiều, chỉ là người ta "ngại", không đưa lên web như trước đây thôi.

Vào thời điểm đó, có lúc, người ta còn giải thích, phải nhiều "hàm phó" vì ở Văn phòng Chính phủ phải làm việc với lãnh đạo ngành, địa phương nhiều nên cần phải có chức vị (!).

Ngay từ cuối khoá Quốc hội khoá XIII, nhiều đại biểu đã chất vấn Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ về tình trạng "lạm phát cấp phó", lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng "bắt chước" ở các địa phương. Trên báo Nhân dân điện tử, tháng 11/2014, bài “Lạm phát cấp phó kéo dài gây bộ máy cồng kềnh”, trả lời ĐB Bùi Thị An, ông Nguyễn Thái Bình khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận “bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách, bộ máy cồng kềnh, không đồng thuận trong xã hội”.

Trên Tạp chí Cộng sản ngày 19/11/2014, bài “Tư lệnh ngành Nội vụ: Bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách” cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quang ngang bộ và 7 cơ quan thuộc Chính phủ, hiện có 339 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ hàm chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hưởng chế độ hàm Vụ trưởng là 96, hàm Phó Vụ trưởng là 150, hàm Trưởng phòng là 76, hàm Phó phòng là 17.

Cuối năm 2015, Bộ Nội vụ cũng đã thừa nhận: Các chức danh cấp phó trong thực tế đều vượt khung. Ở cấp bộ, số lượng Thứ trưởng quy định là 4 nhưng hiện ở mức bình quân 5,4. Các cấp tổng cục, vụ, sở đều có quy định số lượng cấp phó là 3 nhưng bình quân thực tế là 3,69 với cấp tổng cục, 3,04 với cấp vụ và cấp sở là 3,06.

Và nỗi lo ngại của các Đại biểu Quốc hội khi đó nay đã thành hiện thực. Nhiều địa phương đã "bắt chước", thi nhau bổ nhiệm cấp phó. Không chỉ riêng ở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hoá, nhiều nơi đã "loạn cấp phó". Sở Nội vụ Thanh Hoá mới có báo cáo: Số phó phòng ở các cấp của tỉnh này vượt 53 người so với quy định. UBND thành phố Hà Nội cũng mới thừa nhận hiện nay đang thừa 27 phó phòng. Báo chí gần đây cũng đã đưa một số tỉnh, thành phố thừa hàng trăm phó chủ tịch xã.

Với số lượng cấp phó nhất là cấp Thứ trưởng, Phó Chủ tịch nhiều, hiệu quả chưa nhìn thấy đâu nhưng đã có thể thấy ngay: Số lượng xe công, người phục vụ, các chí phí... đều tăng theo và tiền ngân sách phải chi ra chắc chắn là những con số không hề nhỏ. Còn ở cấp địa phương, ngân sách đã hạn hẹp, nhiều cấp phó, lại càng khiến tiền chi thường xuyên ở các cấp khó khăn hơn.

Hiệu quả cũng chưa thấy đâu khi nhiều cấp phó, lại dẫn đến tình trạng dẫm chân nhau về công việc, chưa nói đến những chuyện mâu thuẫn, bè phái. Nhiều nơi có tình trạng, để họp cho đủ thành phần lãnh đạo, có đủ cấp phó dự họp đã mất rất nhiều thời gian.

Phương ngôn nhiều quốc gia có câu khá giống nhau, đại loại “trên làm sao, dưới làm vậy”. Riêng ở câu chuyện nhân sự, ở chuyện "loạn cấp phó" thế này, ở Việt Nam, hiện đã diễn ra đúng cái điều người xưa đã đúc kết. Quy định thì đã có hết rồi. Nếu trên không nghiêm, không trong, làm sao tránh được tình trạng cấp dưới cũng làm sai, phải không các bạn?

Mạnh Quân