Những qui định “giời ơi – đất hỡi” & “bà ngồi bà rung đùi…”!

(Dân trí) - Việc ban hành những qui định “giời ơi, đất hỡi”, thậm chí trái pháp luật làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đời sống xã hội ở ta không hiếm. Nguyên nhân thì nhiều, từ việc cán bộ thiếu năng lực, ngồi trong phòng máy lạnh đến sự tắc trách của những người ký ban hành…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Song, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là khi sự việc bị phát hiện, họ không hoặc có thì cũng phải chịu rất ít trách nhiệm đối với những sai phạm mà văn bản đó gây ra cho người dân.

Gần đây, Bộ Tư pháp đã phải có ý kiến về vấn đề này đối với văn bản qui định bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe thẻ PET theo Thông tư 58/2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đã bị thu hồi của bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Một nguồn tin từ Bộ Tư pháp được báo Dân trí dẫn lời cho biết: “Bộ GTVT chỉ có văn bản thông báo đã ban hành Thông tư 12/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thay thế Thông tư 58/2015, trong đó tiếp thu yêu cầu của Bộ Tư pháp và hủy bỏ quy định trái luật liên quan đến đổi giấy phép lái xe thẻ PET thôi, chứ không nói gì tới việc xử lý cán bộ tham mưu, xây dựng văn bản trái luật”.

Cũng nguồn tin này cho biết, mặc dù trong Thông tư 58 gửi tới Bộ GTVT ngày 29/11/2016, Bộ Tư pháp đã nhắc nhở: “Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP”.

Trong đó, Điều 134 Nghị định 34/2016 qui định trách nhiệm tập thể, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm cán bộ tham mưu phải bị xử lý kỷ luật theo pháp luật về cán bộ, công chức.

Có một vụ việc vừa mới xảy ra làm xôn xao dư luận nhưng đến nay vẫn chưa thấy “tác giả” bị thi hành kỉ luật. Đó là những cán bộ tham mưu và lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn đối với văn bản cấm 5 tác phẩm ca nhạc trong đó có ca khúc “Con đường xưa em đi”.

Về sai phạm này, xin nói thẳng, đây là lỗi nghiêm trọng không chỉ xúc phạm đến tác giả, cộng đồng xã hội mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần hòa hợp dân tộc trong những ngày thiêng liêng kỉ niệm năm non sông về một dải.

Vụ việc này khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải lên tiếng: “Ca khúc nào đã quen thuộc, nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng thì không nên cấm lưu hành. Các quyết định điều hành phải tiến hành trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật”.

Thế nhưng đến nay, hình như vẫn chưa có một hình thức kiểm điểm nào cho tác giả của sai phạm này mà chỉ mới thấy ý kiến chỉ đạo từ Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch: “Tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 05 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến nêu trên”.

Nếu như coi việc “tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu” là một hình thức kỉ luật thì có lẽ thà không có còn hơn.

Đã đến lúc cần phải chấm dứt việc ban hành những văn bản sai trái làm khổ người dân, kìm hãm sự phát triển của đất nước, phá hoại tinh thần hòa hợp dân tộc… nhưng chẳng ai làm sao cả hoặc chỉ phải chịu những hình thức “nhẹ hều”, có cũng như không kiểu “phê bình”, “kiểm điểm”… và “rút kinh nghiệm”.

Vì vậy, việc nhắc nhở của Bộ Tư pháp đối với Bộ Giao thông Vận tải là cần thiết và có lẽ, Bộ Tư pháp cũng cần nhắc nhở cả Bộ VHTTDL bởi không thể để tác giả của những văn bản vô trách nhiệm này ung dung “Bà ngồi bà rung đùi, bà ngồi bà rung chân” trong nỗi cơ cực của người dân mà họ gây ra.

Bùi Hoàng Tám