Những dự án thua lỗ ngàn tỉ và cấp học có… 9 học sinh!

(Dân trí) - Những vụ tham nhũng lớn lên đến hàng trăm tỉ đồng. Những dự án đổ vỡ, đắp chiếu gây thiệt hại hàng ngàn, chục ngàn tỉ đồng. Tệ chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm chức vụ như “thăng thiên”, “thần tốc”. Những vụ chạy trường, chuyển lớp hay thi tuyển công chức được tính bằng ngoại tệ…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Và sắp tới đây, là những khoản tiền thưởng tết có thể lên đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng ở một số doanh nghiệp tại các thành phố lớn đang chờ đón người lao động thì ở nơi biên giới, hải đảo xa xôi, có những thầy cô giáo không có cả ngày 20/11 dù chỉ với một bó hoa. Niềm vui lớn nhất ở đây chỉ mong các em được đến trường…

Tốt nghiệp Đại học sư phạm Thái Nguyên, cô giáo trẻ Ma Thị Thùy Linh xung phong về giảng dạy trên chính mái trường (Khe Cái, thuộc Trường tiểu học Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) mà cô đã từng học cách đây 15 năm. Học trò của cô có đúng 4 em, trong đó hai em học lớp 4, hai em học lớp 5. Ngoài bàn giáo viên, lớp học chỉ có một cái bàn và một cái ghế cho học sinh.

Điểm trường diện tích gần 60m2 được ngăn tạm thành 4 phòng học cho 5 bậc học, từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy mỗi phòng học chỉ chừng 15m2 nhưng thật quá rộng rãi khi tổng số học sinh cấp học này cả thảy chỉ có… 9 em, do hai cô giáo Ma Thị Thùy Linh và Hứa Thị Hằng đứng lớp.

Trong đó, có 3 em học sinh lớp một, 2 em học sinh lớp ba, 2 em học sinh lớp bốn và 2 em học sinh lớp năm, riêng lớp hai không có em học sinh nào. Do không đủ học sinh nên phải học ghép giữa lớp một với lớp ba, lớp bốn với lớp năm. Sáng học chính thì chiều học ôn, chiều học chính thì sáng học ôn.

Không gian phòng học đơn sơ, giản dị đến mức nao lòng. Mỗi lớp học gồm một bảng viết, một cái bàn cho giáo viên, một cái bàn dài và ghế dài cho các em học sinh. Nền đất, mái lợp bờ rô xi măng, được che chắn bằng những tấm gỗ đã úa màu vì thời gian, do không được che chắn kỹ nên ngồi trong lớp mà gió cứ lùa vào, khiến cả cô và trò đều cảm thấy buốt giá.

“Càng nhìn các em, em càng thương chúng hơn. Dù đường đi học quá xa, phải thức dậy từ 5h30 sáng, trèo đèo lội suối để đến trường, trong bụng không một hạt cơm nhưng các em vẫn ham học, nên em muốn mình phải dạy tốt hơn để hi vọng các em sẽ có một tương lai sáng sủa hơn nhờ con chữ”. Cô giáo Thùy Linh chia sẻ.

Đó là thực trạng đang diễn ra (chắc chắn không chỉ ở Vũ Chấn, Võ Nhai) được Nhà báo Thế Nam đăng tải trên Dân trí ngày 8/12, bài “Ở nơi một cô giáo chỉ đứng lớp… 4 học sinh” mà còn ở nhiều nơi khác trên đất nước này.

Đọc những thông tin trên, không chỉ thương các em nhỏ nơi làng bản xa xôi mà còn cảm kích trước tấm lòng của những thầy cô giáo đang ngày đêm bám bản. Và cùng với đó là sự uất giận những kẻ có chức, có quyền tham ô, tham nhũng, thiếu trách nhiệm khiến hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng tan như sương khói.

Cũng không dám “an ủi” các thầy, các cô rằng những vụ việc tiêu cực tồi tệ sẽ không còn xảy ra vì như thế là lừa dối bởi cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng sẽ và mãi mãi là việc làm khó khăn và không ngừng, không nghỉ.

Chỉ mong ước sẽ bớt đi những tham nhũng, những thất thoát, những tiêu cực để đồng tiền mồ hôi, nước mắt của dân đến được với bà con, đến với các em thơ và thày cô giáo nhằm vơi đi nỗi cơ cực tháng ngày.

Có lẽ cũng cần nói thêm, hơn 10 năm qua, báo điện tử Dân trí và quỹ Khuyến học Việt Nam đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, những nhà hảo tâm tài trợ xây dựng được nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đã có nhiều ngôi trường và cây cầu mang tên Dân trí cũng như hàng ngàn, hàng vạn suất học bổng đến với các em học sinh cả nước.

Hình ảnh những em thơ ở Hà Nội đồng cảm với khó khăn, đến xếp hàng trước trụ sở báo Dân trí để gửi quà cho các bạn cùng trang lứa nơi biên cương, hải đảo là những ấn tượng không thể nào quên…

Song, đất nước mình còn nhiều lắm những khó khăn, dù chúng tôi đã có nhiều cố gắng... Xin được gửi tấm lòng đến với mảnh đất này như một sự tri ân và chia sẻ.

Bùi Hoàng Tám