Nhân tài như “sao buổi sớm”, bằng cấp như…. lá rụng bờ hồ Hoàn Kiếm!

(Dân trí) - Thôi thì chỉ mong rằng nhân tài Thủ đô không như “sao buổi sớm” còn bằng cấp đừng như…. “lá rụng bên bờ hồ Hoàn Kiếm” lúc trời thu!

Nhân tài như “sao buổi sớm”, bằng cấp như…. lá rụng bờ hồ Hoàn Kiếm! - 1

Chuyện cán bộ bằng cấp đầy mình, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, mọi việc đều “tài ba, xuất chúng”, nói như thánh, như tướng chỉ có mỗi “điểm yếu” nhỏ, rất nhỏ, đấy là… không biết làm việc ở ta không hiếm.

Song, chuyện “phổ cập thạc sĩ, tiến sĩ” ở cán bộ cấp phường nhưng làm việc thiếu hiệu quả thì có lẽ chỉ mới có Hà Nội “dũng cảm” nêu ra ngay tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP vừa qua.

Báo Dân trí cho biết, phát biểu tại đây, ông Đỗ Mạnh Hải - Bí thư Quận ủy Long Biên đề xuất, phải đổi mới trong công tác đào tạo. Tiêu chí đi học của cán bộ, công chức phải gắn với vị trí việc làm, khung năng lực.

Theo ông Hải, cán bộ, công chức đi học về là để phục vụ chính việc đang làm chứ không phải đi học để lấy bằng hay làm cho lý lịch của mình hoành tráng hơn.

“Không học mà đáp ứng được công việc thì tốt hơn là đi học mà không làm được việc. Bởi đáp số cuối cùng vẫn phải là cán bộ, công chức có đáp ứng được vị trí việc làm hay không”. Ông Hải nói.

Cùng quan điểm với Bí thư Hải, Nhà báo Tô Phán, Tổng Giám đốc đài PTTH Hà Nội cho biết có những người đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được gì.

“Thạc sĩ có nhưng không làm gì cả, chả có chương trình nào để lại ấn tượng. Ba bằng đại học, rồi cả thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm gì. Tôi thấy ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng nhưng không biết làm gì cả”. Ông Phán nói.

Đọc những thông tin trên làm người viết bài này nhớ lại cách đây hơn 2 năm (2/2016), tại Hội nghị triển khai kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, tinh giản biên chế trên địa bàn là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn vì liên quan trực tiếp đến con người. Còn nếu xét theo tiêu chuẩn cứng, Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nên rất khó tinh giản.

Trước đó ít lâu, trao đổi với báo chí về cơ cấu nhân sự cho Hội đồng Nhân dân, ông Phạm Quang Nghị khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết nguồn cán bộ của Hà Nội rất đông. Cái khó của Hà Nội không phải trong “bó đũa” chọn “cột cờ” mà là chọn “cột cờ” trong số những “cột cờ”.

Đọc những thông tin này, hẳn không thể không nghĩ Hà Nội nhân tài nhiều như… lá rụng bên bờ hồ Hoàn Kiếm mỗi độ thu sang. Cán bộ xã phường cũng “phổ cập” thạc sĩ, tiến sĩ. Chọn cán bộ thì so “cột cờ, lấy cột cờ”…

Như vậy thì với vị thế chính trị, kinh tế, địa thế về đất đai, nhân lực… và truyền thống văn hóa, Hà Nội phải là ngọn cờ đầu của cả nước trong mọi lĩnh vực. Hà Nội phải là trọng điểm kinh tế. Người dân Hà Nội phải có thu nhập cao nhất nhì cả nước. Thành phố Hà Nội phải sạch đẹp, ngăn nắp. Con người Hà Nội phải thanh tao, lịch lãm…

Thế nhưng thực tế, Hà Nôi đã được như vậy chưa là câu hỏi không dễ trả lời.

Nói thẳng ra, ở đây chỉ có hai khả năng. Một, nếu bằng cấp là thật thì cần phải nghiêm túc xem lại cách sử dụng nhân tài và hai là bằng cấp như… lá bùa trang trí cho “lý lịch của mình hoành tráng hơn” như lời ông Hải.

Thôi thì chỉ mong rằng nhân tài Thủ đô không như “sao buổi sớm” còn bằng cấp đừng như…. “lá rụng bên bờ hồ Hoàn Kiếm” lúc trời thu!

Bùi Hoàng Tám