Một việc "cỏn con", Bộ trưởng ra tay, bộ máy "nhúc nhích"!

(Dân trí) - Một việc cỏn con, rất cỏn con nhưng chỉ đến khi đích thân Bộ trưởng ra tay thì cái bộ máy cồng kềnh, đồ sộ ấy mới lắc lư chuyển động. Không biết nó sẽ di chuyển về hướng nào và kết quả ra sao, song chỉ việc nó chịu “nhúc nhích” thôi đã là một tín hiệu mừng “rơi nước mắt” cho thân phận người dân.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nói sự việc cỏn con vì thực sự nó rất… cỏn con. Một vụ khiếu nại về đất đai của một người dân nhưng đã không còn cỏn con nữa khi đích thân Bộ trưởng phải ra tay.

Số là gia đình cụ bà Đàm Thị Lích (Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã đổ mồ hôi, công sức khai phá mảnh đất hoang hóa rộng gần 4.000 m2 (3.925m2). Sau ngày đất nước thống nhất (1975), gia đình bà vẫn tiếp tục canh tác trên mảnh đất này đến năm 1986 thì góp vào hợp tác xã nông nghiệp, gia đình bà được cấp 750m2 (sau do mở rộng đường, còn lại 610m2).

Ngày 18/12/1993, UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định số 419/QĐ - UB công nhận lô đất thổ cư có diện tích 610m2 của gia đình cụ Lích tại khu vực đội 6 (nay là số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tại thời điểm đó, gia đình cụ Lích có đơn khiếu nại về việc hoán đổi đất và yêu cầu UBND huyện Đức Trọng bồi thường mảnh đất nông nghiệp diện tích 3.925m2 đã bị thu hồi nhưng đều bị bác bỏ, chỉ công nhận lô đất thổ cư 610m2 đã được giao.

Song, không hiểu tại sao khi gia đình cụ Lích tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ để UBND huyện cấp quyền sử dụng đối với lô đất thổ cư 610m2 đã được chính UBND huyện giao thì UBND huyện Đức Trọng lại ra quyết định không cấp toàn bộ 610m2 đất thổ cư cho gia đình cụ Lích mà chia thành hai lô, một lô 253,9m2 đất thổ cư (nhưng yêu cầu nộp tiền sử dụng đất 5,7 tỉ đồng) và 310m2 còn lại là đất nông nghiệp.

Sau khi nhận được phản ảnh từ báo Dân trí, ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo, giao cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay ngày 14/5 phải trực tiếp vào làm việc với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra ngay sự việc.

Bộ trưởng Hà còn yêu cầu đoàn công tác khi làm việc phải đảm bảo giải quyết vấn đề trên tinh thần bảo vệ lợi ích của người dân. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sai phạm thì xử lý nghiêm theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không loại trừ một ai.

Xin không bàn đến việc đúng sai trong bài báo này bởi báo Dân trí đã có 50 bài phân tích rất cụ thể những bằng chứng pháp lý của sự việc, chỉ nêu lên một ý kiến nhỏ, đó là sự tắc trách đến vô cảm của các cơ quan chức năng.

Theo cụ Lích, trong suốt quá trình kiến nghị và khiếu nại, gia đình cụ đều gửi đơn đến UBND tỉnh, Tỉnh ủy và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhưng đều không được hồi âm, thậm chí còn không có cả cái văn bản “chuyển đơn” yêu cầu giải quyết.

“Gia đình tôi không biết là các vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã nhận được đơn thư kiến nghị, khiếu nại của gia đình tôi chưa? Nếu đã nhận được rồi thì tại sao không có văn bản trả lời công dân? Không lẽ những đơn thư kiến nghị, khiếu nại đã không đến được tay của các vị?”.

Vâng, một câu hỏi chính đáng và rất khó trả lời bởi biết nói thế nào bây giờ, nhất là khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo thì công việc bắt đầu “nóng lên”. Không biết nếu không có sự chỉ đạo của Bộ trưởng Hà, sự việc còn “lặng lẽ” đến bao giờ?

Bùi Hoàng Tám