“Một bộ phận không nhỏ” có thành “một bộ phận rất nhỏ”?

(Dân trí) - Tại hội nghị đoàn Chủ tịch lần thứ 6 của UB TW MTTQ VN chiều 3.10 về góp ý văn kiện Đại hội Đảng, nguyên chủ tịch MTTQ VN Phạm Thế Duyệt cho rằng cần có kênh để quần chúng nhân dân góp ý nhân sự cho Đảng, qua đó chọn được cán bộ tốt cho đất nước.

 

“Một bộ phận không nhỏ” có thành “một bộ phận rất nhỏ”? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chính vì có niềm tin rằng những ý kiến đóng góp sẽ được lắng nghe cho nên mới có tiếng nói từ xã hội. Nếu không có sự lắng nghe, chắc chắn không người dân nào tha thiết lên tiếng.

Tuy nhiên, không phải ý kiến đóng góp nào cũng được lắng nghe và không phải sự lắng nghe nào cũng biến thành hành động. Tại hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng ngày 4.10, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch nói thẳng, một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, biến chất được nhắc đi nhắc lại, kể từ khi được đề cập tại Đại hội 10, nhưng cho đến nay vẫn chưa vạch mặt chỉ tên được ai trong “bộ phận không nhỏ” ấy.

Chứng tỏ sự góp ý chống tham nhũng từ đại hội trước không được lắng nghe, hoặc không biến thành hành động hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Túc phân tích thêm, Đại hội 7 chỉ mới xuất hiện một số cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất thì đến Đại hội 8 đã xuất hiện thêm “một bộ phận không nhỏ”, rồi qua Đại hội 9, cho đến Đại hội 10 thì số đảng viên bị kỷ luật tăng gấp đôi so với đại hội 8 và 9. Và “một bộ phân không nhỏ” không biến mất.

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu đại hội tới, “một bộ phận không nhỏ” đó có biến mất hay không? Đây là một thách thức và thật khó để cho nó “biến mất”, nhưng bằng mọi giá phải thu lại từ “một bộ phận không nhỏ” thành “một bộ phận nhỏ”, rồi đến “một bộ phận rất nhỏ”. Chỉ riêng góp ý nội dung chống tham nhũng cũng rất quan trọng và tất nhiên như nhiều lãnh đạo cao cấp từng nói, đó là sự tồn vong của chế độ.

Ngoài nội dung “một bộ phân không nhỏ”, trước đó, tại hội nghị đoàn Chủ tịch lần thứ 6 của UB TW MTTQ VN chiều 3.10 về góp ý văn kiện Đại hội Đảng, nguyên chủ tịch MTTQ VN Phạm Thế Duyệt cho rằng cần có kênh để quần chúng nhân dân góp ý nhân sự cho Đảng, qua đó chọn được cán bộ tốt cho đất nước.

Trên thực tế, ngoài những hội nghị góp ý của các cơ quan, tổ chức triển khai, đa số quần chúng nhân dân dù có muốn góp ý cũng không biết “góp ở đâu?”. Trí tuệ nhân dân là vô cùng vô tận, sẽ có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng và quan trọng nhưng phải có kênh để chuyển tải những ý kiến đó đến với các cơ quan của Đảng và lãnh đạo Đảng. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, cho nên kể cả những góp ý  thẳng thắn khó nghe, nhưng đó chính là những “lời trung” nói ra chỉ vì lợi ích quốc gia, thì xứng đáng để được tiếp nhận, được lắng nghe.

Không nghe được tiếng dân, không hiểu được lòng dân, không làm đúng ý dân thì không thể thành công.

Lê Chân Nhân