Mảnh đất màu mỡ cho một nhóm người sống trên mồ hôi, nước mắt của dân

(Dân trí) - Người dân chúng tôi không bao giờ “không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao”. Song, Nhà nước cũng không được để BOT trở thành mảnh đất màu mỡ cho một nhóm người sống trên mồ hôi, nước mắt của dân, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trước hết, không thể phủ nhận BOT đã mang lại một diện mạo mới cho giao thông nước nhà. Nhiều tuyến đường huyết mạch đã trở nên thông thoáng hơn, giảm lượng xăng dầu và thời gian di chuyển, góp phần rất quan trọng giảm bớt tai nạn giao thông… đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Song, những việc làm “khuất tất” của một số nhà thầu đang là nguy cơ hiện hữu, biến BOT trở thành cái máy thu tiền cưỡng bức, làm lợi cho một nhóm người nào đó.

Xin đơn cử một tuyến giao thông dài khoảng 30 km Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Theo báo cáo từ nhà đầu tư, mỗi tháng tuyến đường này thu được khoảng 35 tỉ đồng, tức là khoảng 1,2tỉ đồng/ngày. Tuy nhiên sau khi tiến hành kiểm tra, đã phát hiện số tiền thu được lên tới gần 2 tỉ đồng /ngày.

Thông tin trên đã tác động mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Nhiều vị đại biểu và nguyên đại biểu quốc hội, nhà kinh tế và chuyên gia giao thông đã đặt ra các câu hỏi xung quanh vấn đề này, đặc biệt là yêu cầu làm rõ, số tiền đó đi dâu? Vào túi ai? Ai phải chịu trách nhiệm?

Trả lời báo chí, cựu ĐBQH Bùi Thị An đặt thẳng câu hỏi: “Đề nghị các cơ quan quản lý, Bộ Giao thông – Vận tải vào cuộc làm rõ xem khoản thu chênh lệch hàng trăm tỷ đồng rơi vào túi ai?... Chúng ta cần phải làm rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý trong việc khai báo thiếu trung thực về thu phí tại BOT Pháp vân - Cầu Giẽ để đem lại lòng tin cho người dân”.

Ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề nghị “Bộ Giao thông – Vận tải vào cuộc làm rõ trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc. Không thể chấp nhận được việc dựa vào người dân để trục lợi cho nhóm lợi ích nào đó”.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi mất lòng tin khi chính sách của Đảng, Nhà nước bị bóp méo khi đi vào thực thi. Đối với sự gian dối trong thu phí của BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, tôi cho rằng, cần phải giải quyết triệt để để làm gương cho các trạm thu phí khác. Cần phải truy đến cùng những cá nhân nào đã gây ra hệ luỵ này, dẫn đến thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp”.

Thảo luận tại hội trường ngày 25/7 về chuyên đề giám sát của Quốc hội trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, rất cần thiết phải đưa chuyên đề này vào trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến các trạm thu phí, mức phí và thời gian giảm phí…

Đối với trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt câu hỏi: “Đây mới là kiểm tra 1 trạm, vậy thì với các trạm khác sẽ ra sao? Nếu đối chiếu con số này với gần 60 tỉnh, thành có trạm thu phí BOT, mức phí cũng như thời gian thu phí là quá sức chịu đựng của người dân”.

Một đại biểu cũng tên là Phương, ông Nguyễn Ngọc Phương (ĐB Quảng Bình) bày tỏ: “Tôi cho là có điểm gì đó đã tạo điều kiện cho các BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT".

Nhớ lại cách đây ít lâu, ông Đinh La Thăng khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong một bài trả lời phỏng vấn báo Dân trí đã nói: “Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”.

Xin thưa luôn, người dân không bao giờ muốn điều đó và cũng hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.

Người dân chỉ muốn được trả đúng với giá tiền mà mình phải trả, những con đường làm đúng với giá trị thực của nó, không bị tham ô, tham nhũng, khai vống…

Vì vậy người dân mong muốn đại diện của mình là Quốc hội tăng cường chức năng giám sát, làm rõ, làm đúng, làm đủ không để nhà đầu tư thua thiệt mà phải đảm bảo có lãi hợp lý cho họ. Tất nhiên, cũng không để họ được phép tự tung tự tác, móc túi người dân và doanh nghiệp.

Trở lại với tuyến dường Pháp Vân – Cầu Giẽ, xin được hỏi tại sao đây vốn là tuyến đường cũ, làm bằng tiền ngân sách, nhiều năm miễn phí. Sau này, nhà đầu tư chỉ mở rộng thêm một chút và trải lớp nhựa mới, không phải đề bù giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí khác mà mức thu phí lại ngang bằng với những con đường làm mới hoàn toàn, 1.500 đồng/km ngang với Hà Nội – Lao Cai? Rồi với những sai phạm gian dối trên, họ sẽ bị xử lý như thế nào? Số chênh lệch hơn 600 triệu đồng/ngày đi đâu, vào túi ai?

Xin nhắc lại, người dân chúng tôi không bao giờ “không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao”. Song, Nhà nước cũng không được để BOT trở thành mảnh đất màu mỡ cho một nhóm người sống trên mồ hôi, nước mắt của dân, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám