Mạng xã hội, nước “rửa chân” pha trà & “dục vọng” của những chiêu trò

(Dân trí) - Mặc dù báo chí đã vào cuộc để xác minh sự thật, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trên mạng xã hội Facebook, tôi vẫn dễ gặp hàng loạt “friend” (bạn trên mạng) của mình chia sẻ chóng mặt video clip vụ dùng nước rửa chân pha trà đá.

Mạng xã hội, nước “rửa chân” pha trà & “dục vọng” của những chiêu trò - 1

Clip này ghi lại cảnh một phụ nữ trẻ đang bán trà đá cho những thanh niên bên một quán cóc ở vỉa hè, vô tư bỏ chân vào xô nước rồi lấy chính thứ nước đó để pha trà. Thậm chí, kèm theo clip là lời bình “rất nhiều lần rồi mà lần này mới bắt được”.

Không cần phải nói thì với sức mạnh của mạng xã hội, mũi dùi công kích lập tức chĩa thẳng vào chủ hàng nước với những lời xúc phạm và tục tĩu.

Một số người để rõ hơn về thông tin trên (trong đó có cả các phóng viên) đã tìm đến đúng địa chỉ trên để tìm hiểu mới vỡ lẽ ra, đó chẳng qua là một clip dàn dựng.

Khó mà hiểu nổi, khó phân tích được mục đích, động cơ của các thanh niên tạo nên clip trên (được cho là của salon tóc gần đó).

Có lẽ, như nhiều tài khoản Facebook khác, họ hoặc là với sự vô tư (đến vô tâm) của người trẻ, chỉ dựng nên câu chuyện đó trong “tâm bão” thực phẩm bẩn nhằm “câu like” cho vui.

Hoặc, đó là một cách PR cho chính tài khoản Facebook của mình, để được nổi tiếng trên mạng, được nhiều người biết tới…

Dù với lý do gì thì đúng như một vị lãnh đạo quận Cầu Giấy đã nhận xét: “Đây là hành vi không có văn hóa”. Ở đây, xin không nói đến sự đúng – sai của việc kinh doanh bán nước bên vỉa hè.

Tuy nhiên, có thể thấy, chỉ một clip mang tính chất đùa vui đó đã khiến người chủ quán nước, một phụ nữ đã lớn tuổi không những bị mất kế sinh nhai mà còn vô tình bị chà đạp về mặt nhân phẩm, phải gánh chịu những hậu quả “trời ơi đất hỡi” mà mình không hề liên quan.

Thời đại của internet, mạng xã hội và những chiếc điện thoại thông minh dường như đã khiến việc “kiếm cơm” của nhiều người trở nên dễ dàng hơn.

Chuyện xô nước bẩn trong hàng trà đá mới đây thực ra chỉ là một ví dụ. Trước đó đã có rất nhiều “tin giả”, “video giả” được dàn dựng lên, khuấy tung dư luận, xã hội, mà phổ biến nhất là chuyện con bất hiếu với cha mẹ, thậm chí dựng lên cả câu chuyện thương tâm, oan ức để thu vén, trục lợi từ sự trắc ẩn của mọi người.

Chúng ta, những người dùng mạng xã hội, nhiều khi không ý thức được rằng, chỉ một click, một nút nhấn “like” (thích) hay một hành động “share” (chia sẻ) tưởng như vô hại lại có thể làm trầm trọng hơn vấn đề, đẩy một con người vào ngõ cụt và kích động những phản ứng quá khích trong cộng đồng.

Đã có những câu chuyện buồn và đáng tiếc xảy ra. Có những cô gái trẻ bị lợi dụng hình ảnh, vô tình trở thành nhân vật minh họa, hư cấu trên mạng, để rồi rơi vào khủng hoảng. Tệ hơn, có người không chịu nổi áp lực mang quyên sinh để chứng minh mình trong sạch.

Có những gia đình đang bình thường bỗng chốc đổ vỡ. Và có cả chuyện học sinh dám đổ xăng đốt trường vì lỡ thách đố trên Facebook… Những cuộc tụ tập đông người, gây mất trật tự chỉ vì một lời kêu gọi, một lời đồn thổi vô căn cứ được tung ra.

Mong muốn nổi tiếng là mong muốn của nhiều người. Kiếm tiền từ sự nổi tiếng cũng không hề đáng trách. Nhưng khi sự nổi tiếng trở thành một kiểu “dục vọng” và bất chấp cộng đồng, gây tổn hại đến người khác thì đó là một thái độ sống cần lên án và phải bị pháp luật trừng trị - dù rằng tài khoản có thể khóa, bài viết có thể xóa đi…

Chúng ta không thể đổ lỗi cho những nhà sáng lập mạng xã hội đã khiến cuộc sống có thêm một “thế giới ảo” với những lối “sống ảo” và cả những câu chuyện ảo, những con người ảo, thân phận ảo…

Điều chúng ta có thể làm để tự bảo vệ mình và khiến cuộc sống này thực tế hơn, đó là trở thành những người dùng internet có trách nhiệm: Trách nhiệm với từng click, từng hành động chia sẻ thông tin. Mạng có thể là ảo, nhưng nhận thức và con người là thật!

Bích Diệp