“Lười” tiếp dân thì… về làm dân cho khỏi “bệnh lười”!

(Dân trí) - Lâu nay, cái gọi là “đường dây nóng” ở nhiều, thậm chí rất nhiều cơ quan công quyền luôn “nguội lạnh”. Cán bộ của ta ở nhiều nơi rất lười tiếp dân hoặc tiếp dân mang tính hình thức, thậm chí còn thách thức người dân, không tổ chức đối thoại với người dân tại cơ sở.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ công khai danh tính các đơn vị, cá nhân mắc bệnh “lười” này.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao cán bộ của ta lại “mắc bệnh” lười tiếp dân như vậy? Có lẽ do mấy nguyên nhân sau đây.

Nguyên nhân thứ nhất, hoàn toàn có thể là do năng lực kém, không đủ trình độ để xử lý những vấn đề dân thắc mắc, khiếu nại hay tố cáo. Đứng trước dân mà không trả lời được những vấn đề dân hỏi, dân cần tư vấn, phân xử… thì “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”.

Nguyên nhân thứ hai nằm đúng nghĩa đen của nó là không ít cán bộ, công chức của ta mắc “bệnh lười”. Những người thuộc dạng này rất sợ khó, ngại khổ nhưng bù lại, thường rất giỏi đùn đẩy cho cấp dưới, ỉ lại vào cấp trên. Họ biết việc tiếp dân là mất rất nhiều thời gian, công sức, đặc biệt là đối với những đơn thư tố cáo, khiếu kiện dày cộp hồ sơ luôn cần được thẩm tra, xác minh kỹ càng ở nhiều ban bệ, nhiều phòng chức năng mới có thể đưa ra được những kết luận để dân “tâm phục, khẩu phục”.

Nguyên nhân thứ ba, hoàn toàn có thể còn bởi một số người nhận thấy việc tiếp dân không có “bổng lộc”, tức là không “cá kiếm” được gì nên sinh ra lười tiếp dân, rồi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Nguyên nhân thứ tư không thể không nhắc đến, là chế tài để xử lý những cán bộ “lười” tiếp dân cho đến lúc này vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, nên cuối cùng dù có bị thanh tra, nhắc nhở đi nữa thì cũng “hòa cả làng”. Bỏ bao nhiêu cuộc tiếp dân, bỏ bao nhiêu tháng tiếp dân thì hình thức xử lý kỷ luật thế nào vẫn chưa rõ. Tổ chức tiếp công dân không hợp lý, trụ sở tiếp công dân không đủ điều kiện, cán bộ tiếp công dân không đủ phẩm chất thì xử lý thủ trưởng thế nào cũng chưa có.

Hậu quả là dẫn đến có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp. Điều này vừa làm mất ổn định xã hội, lại vừa mất niềm tin của người dân tại cấp cơ sở.

Để từng bước chấn chỉnh, theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, từ năm 2016 này sẽ tổ chức nhiều đợt thanh tra các tỉnh thành có nhiều đoàn tố cáo, khiếu nại và đặc biệt sẽ áp dụng việc công khai tên tuổi lãnh đạo tỉnh “lười” tiếp dân.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc công khai tên tuổi này nếu áp dụng vào thực tế thì cũng chỉ mới dừng ở hình thức nhắc nhở, phê bình và rút cái “sợi dây kinh nghiệm” chưa đủ sức răn đe, để cho cán bộ lãnh đạo nhìn nhận việc tiếp dân không phải là việc “thích thì tiếp, không thích thì… trốn”, mà cao hơn đó là trách nhiệm, là thước đo để đánh giá cán bộ có hoàn thành nhiệm vụ, đạt được danh hiệu thi đua hàng năm hay không.

Như đã phân tích ở trên, việc lười tiếp dân chỉ có thể là bởi năng lực kém, bản tính lười biếng, thậm chí không loại trừ cố tình “đục nước…”. Tất nhiên, nếu một cán bộ đảng viên mà có những tư tưởng trên thì không thể chấp nhận và thậm chí phải loại bỏ ra khỏi đội ngũ để thay vào đó những người có đủ đức, đủ tài, đủ tâm đảm đương, gánh vác.

Cán bộ mà “lười” tiếp dân thì… về làm dân cho khỏi bệnh lười, phải không các bạn ?

Thế Nam