Lũ quét, biệt phủ, nghĩ về thiên tai, nhân tai

(Dân trí) - Những ngày đầu tháng 8, chung tay cùng đồng bào cả nước, báo Dân trí vẫn đang nỗ lực từng chút, từng chút một để gom góp tiền của, vật chất cùng độc giả ủng hộ đồng bào miền núi phía Bắc bị thiệt hại trong trận lũ quét kinh hoàng xảy ra hôm 3/8.

Lũ quét, biệt phủ, nghĩ về thiên tai, nhân tai - 1

Nhìn khung cảnh tan hoang mà các phóng viên ghi lại ở Mù Cang Chải mới thấy sức tàn phá của thiên nhiên khốc liệt, dữ dội đến nhường nào. Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La - vẫn là 4 tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước.

Bình thường, cuộc sống đồng bào nơi đây vốn đã thiếu thốn, khó khăn đủ bề, nay lại càng trở nên cùng quẫn, không biết đi đâu, về đâu khi nhà cửa bị cuốn theo mưa lũ, hoa màu bị vùi lấp, đường sá, cầu cống bị phá hủy…Thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính ban đầu đã gần 1.000 tỷ đồng, chưa kể, hàng chục người bị mất tích - những thiệt hại không đo đếm được bằng tiền.

Hơn 2.000 người trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn. Hàng nghìn tổ chức, cá nhân huy động hỗ trợ. Dẫu vậy, vẫn còn đó những nỗi lo, không biết đến bao giờ mới khắc phục, xây dựng lại làng bản, phố xá như ban đầu, bao giờ thì hàn gắn được những mất mát đã xảy ra.

Mà đây mới chỉ là một phần của hàng chục nghìn tỷ đồng mà thiên tai đã “cuốn trôi” khỏi đất nước chúng ta mỗi năm. Riêng trong năm 2016 vừa rồi, thiệt hại do thiên tai “đo” được gần 18.300 tỷ đồng.

Tự hỏi, với những người nông dân chân lấm tay bùn, những người dân ở miền sơn cước, họ làm gì để có thể bù đắp lại chừng đó mất mát về kinh tế mỗi năm? Có bao nhiêu người trong số họ gom góp, tích lũy cả đời để rồi sau một đêm tỉnh dậy, mọi tài sản đều tiêu tan, gia đình li tán và phải lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”?

Đối ngược với những phận người ấy, cũng là mảnh đất ấy, những người sống trong các lâu đài, biệt phủ, chẳng nề hà gì bởi mưa gió, bão bùng xung quanh… Họ nghĩ gì, có cảm thấy điều gì không?

Một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên mà cũng đầy chua chát là chỉ mới cách đây chưa lâu, người dân cả nước hướng về Yên Bái chờ đợi xem kết luận về nguồn gốc khối tài sản “khủng” của ông Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường ở đâu ra, thì bây giờ, quang cảnh Yên Bái là những bùn và đất, là những cảnh tượng tan tác, hoang tàn.

Với phận sự, chức trách của mình, ông Phạm Sỹ Quý hẳn cũng đang xắn một tay vào công tác khắc phục hậu quả lũ quét gây ra cho đồng bào Yên Bái, liệu ông có bằng kinh nghiệm của mình từ chạy xe ôm, buôn chổi đót, lá chít… để đưa người dân trên địa bàn thoát nghèo, thoát khổ được hay không?

Thanh tra Chính phủ mới đây cho biết sẽ tổ chức họp báo công khai kết luận thanh tra nguồn gốc tài sản nhà của ông Quý vào giữa tuần này. Như nhiều người dân bình thường khác, tôi cũng trông đợi, nhưng trong một tâm trạng, thú thật chẳng vui vẻ gì cho lắm! Vào lúc này, chúng ta đang mong đợi một kết luận như thế nào đây?

Còn nhớ, hồi năm ngoái, kết quả thống kê về thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng (bị phát hiện) gây ra trong suốt 10 năm lên tới gần 60.000 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Số tiền thu hồi được cho Nhà nước là 5.000 tỷ đồng và 200 ha đất. Như vậy, chưa tính giá trị đất đai, bình quân mỗi năm tham nhũng đã gây thiệt hại 6.000 tỷ đồng, nói đúng hơn là 6.000 tỷ đồng “chui” từ ngân sách công vào túi cá nhân.

Vậy là, tính sơ sơ một cách toán học, sức phá hoại của nạn tham nhũng trong 1 năm đã bằng hơn 6 trận lũ quét kinh hoàng mới xảy ra ở miền núi phía Bắc mà chúng ta vừa chứng kiến. Thật khủng khiếp!

Đó là mới chỉ đề cập đến những vụ, việc tham nhũng bị phát hiện. Còn bao nhiêu vụ tham nhũng lớn nhỏ khác chưa bị phanh phui, bao nhiêu thất thoát từ những hiện tượng mà chúng ta vẫn quen gọi là “tham nhũng vặt” chưa tính nổi?

Nếu nói bão lũ là “thiên tai” thì tham nhũng là “nhân tai”. Đối phó với mối họa nào cũng đều khó khăn: một bên phòng - tránh, một bên là phòng – chống. Chỉ có điều, khi Mẹ thiên nhiên nổi giận, giáng xuống ta những hiểm nguy thì ta đành phải chịu, nhưng tham nhũng xảy ra do chính con người, do những lỗ hổng thể chế gây ra thì không thể nào nói “khó chống” mà phải “chịu”. Người dân đối phó, chống chọi với thiên tai đã khổ lắm rồi nên đừng bắt họ phải mệt mỏi nhiều hơn vì nhân tai nữa!

Bích Diệp