Lớp học kích não, đào tạo “thiên tài” và tư duy “ăn xổi”

(Dân trí) - Với tổng chi phí chỉ khoảng 12 triệu đồng tuy hơi cao nhưng sau 3 tháng, sẽ cho “ra lò” một thiên tài và nếu như mô hình này nhân rộng, chỉ một thời gian rất ngắn, sẽ có hàng ngàn, hàng vạn trung tâm “kích hoạt thiên tài” được mở. Và khi đó thì chao ôi, trẻ em Việt Nam thành thần đồng hết.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh lớp học kích não biến con trẻ thành thiên tài được quảng cáo rầm rộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cái giá phải trả cho hai ngày đầu kích hoạt não đã hết 9,5 triệu đồng. Sau đó, người tham gia tiếp tục luyện tập trong vòng 3 tháng với giá 800.000/tháng.

Theo lời quảng bá của một trung tâm tại Hà Nội, nếu biết giáo dục đúng cách, mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành thiên tài và phát triển não phải chính là cách duy nhất phát triển cả hai bán cầu não hay phát triển toàn bộ não. Họ còn cho biết, trẻ em chỉ có một giai đoạn nhất định và nếu không đầu tư cho con ngay, phụ huynh sẽ… vô cùng ân hận.

Đọc những thông tin trên, không khỏi mừng… rơi nước mắt.

Mừng là bởi với tổng chi phí khoảng 12 triệu đồng tuy hơi cao nhưng sau 3 tháng, sẽ cho “ra lò” một thiên tài và nếu như mô hình này nhân rộng, chỉ một thời gian rất ngắn, sẽ có hàng ngàn, hàng vạn trung tâm “kích hoạt thiên tài” được mở. Và khi đó thì chao ôi, trẻ em Việt Nam thành thần đồng hết. Những Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm ngày xưa hay thần đồng Trần Đăng Khoa thủa nào sẽ mãi mãi chỉ là cái bóng mờ nhạt.

Sau đó, đất nước ta sẽ tràn ngập những nhà khoa học, thi nhân, thi hào… trở thành cái nôi đào tạo thiên tài cho thế giới. Nền giáo dục Việt Nam sẽ vươn lên đỉnh cao và lúc đó, sinh viên Việt nam sẽ không còn phải khăn gói sang các trường đại học lớn như Harvard, Cambridge… để rồi mỗi năm, cả nước tiêu tốn cả tỉ USD.

Nhưng nói thế thôi chứ mừng đây là mừng… rơi nước mắt. Bởi khoa học có nhiều tiến bộ, những bí mật của con người luôn luôn được “giải mã”, song vẫn còn nhiều bí ẩn. Thế nhưng khi sáng tạo ra con người, thượng đế có thể đã thiếu chút công bằng, có người học một hiểu mười, có người học mười hiểu năm, sáu. Song, thượng đế vốn là người cần cù, kiên nhẫn lại rất khắt khe nên không để cho bất cứ ai không nhờ trui rèn, tích lũy mà… bỗng dưng kiệt xuất cả.

Chính vì thế, nhiều bạn đọc đã gửi bình luận về cho Dân trí bày tỏ sự hoài nghi cao độ về những “lò đào tạo nhân tài” này. Thậm chí, không ít bạn còn cho là trò bịp bợm.

Bạn Nguyễn Yến viết: “Nếu mà cái phương pháp này ai cũng thành công thì nước Việt Nam này toàn thiên tài. Giáo dục quả là một quá trình lâu dài, các người bày vẽ ra đủ kiểu cũng chỉ để lợi dụng móc tiền của những phụ huynh cả tin. Nói thẳng ra là tham gia cái chương trình này chỉ tổ hoang tiền vào miệng cọp. Hãy để con các vị tự học, có ý thức đã là đủ”.

Bạn Minh Huynh bày tỏ: “Chuyện này có thể đáng tin được sao. Theo Wikipedia, chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh được não giữa có thể được kích hoạt. Chuyện này tôi thấy như một trò hề, toàn bộ đạo cụ được nhà trường chuẩn bị trước. Họ có thể làm dấu tạo mùi hương trước với tất cả chúng rồi dạy cho trẻ con biết cách nhận ra chúng. Đơn giản là giống bọn bịp bài, đem bộ bài của mình đi đánh thì sẽ thắng”.

Còn TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn Phương pháp dạy Toán, Khoa Toán- Tin, Trường ĐHSP Hà Nội thì nhẹ nhàng hơn: “Hiện tại, theo tôi được biết các nghiên cứu não bộ vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc cũng như hoạt động của nó. Vì thế, tôi cho rằng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định việc kích não trở thành thần đồng là hợp khoa học”.

Về phía Bộ Giáo dục & Đào tạo, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD mầm non cho biết Bộ không cấp phép cho các trung tâm này và với một phương pháp chưa được thẩm định, trên thế giới vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu cụ thể, đặc biệt Bộ GD&ĐT vẫn chưa công nhận mà đã đi vào hoạt động như vậy là hết sức nguy hiểm, tiềm tàng những tác động khôn lường về sau

Không biết các bạn thế nào, còn mình “xin kiếu” trò đào tạo “thiên tài ăn xổi” này.

Bùi Hoàng Tám