Khi ông Vũ "Tôn hoa sen" buồn, còn người dân thì quá vui

(Dân trí) - Cuối tuần trước, Văn phòng Chính phủ có một văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án thép Hoa Sen - Cà Ná. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án để làm rõ "một số vấn đề".


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thông tin này nhanh chóng được lan toả trên báo chí, mạng xã hội và gần như tuyệt đại đa số được người dân đồng tình. Nhưng có lẽ, giờ này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đang buồn.

Theo như ý kiến của Thủ tướng tại phiên họp, dự án thép Hoa Sen Cà Ná mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn "vội vàng", thông tin về dự án còn "bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện". Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra một loạt vấn đề như: Phải tính kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, rà soát lại quy hoạch thép... Nhất là phải đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn không xảy ra sự cố như Formosa.

Ngoài ra, các vấn đề về tổng mức vốn đầu tư tổng thể, hạ tầng cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ; nguồn nguyên liệu cho dự án cũng là những câu chuyện lớn mà hồ sơ "đại dự án" trên chưa làm rõ.

Với một dự án có nhiều vấn đề như vậy, việc Thủ tướng kết luận, yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ là điều rất cần thiết.

Đây là một quyết định rất đúng đắn, hợp lý của người đứng đầu Chính phủ bởi dự án này, ngay từ khi được nhiều bộ, ngành ủng hộ trình lên, lại gặp rất nhiều ý kiến phản biện trái chiều của giới chuyên gia kinh tế, một số chuyên gia ngành luyện kim và đông đảo người dân, nhất là người dân ở Ninh Thuận.

Đã có hàng loạt vấn đề được giới chuyên gia kinh tế, môi trường nêu ra như công nghệ vận hành nhà máy chưa phải công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn cho môi trường, là một nguy cơ "Formosa" thứ hai ở Ninh Thuận. Các mức tiêu hao nguyên liệu, nước sạch lớn, không phù hợp ở vùng triển khai dự án- nơi nước sạch trong nhiều năm qua là khan hiếm, không đủ cho người dân sử dụng, làm sao đủ cho một nhà máy có qui mô rất lớn như vậy (4,5 triệu tấn/giai đoạn I)?.

Trong khi chưa thể trả lời, giải trình đầy đủ những ý kiến phản biện từ các nhà khoa học, giới chuyên gia nghiên cứu, chưa thể làm yên lòng người dân chỉ bởi những tuyên bố mơ hồ, việc cơ quan đề xuất quy hoạch để UBND tỉnh Ninh Thuận trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với một số ý kiến từ các bộ, ngành liên quan, như nhận xét của chính người có thẩm quyền cao nhất là "vội vàng".

Cho nên, yêu cầu của Thủ tướng với UBND tỉnh Ninh Thuận: "Chỉ khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các bước chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định", là ý kiến chỉ đạo rất thuyết phục.

Đây là một tín hiệu cho thấy, Chính phủ cũng đã lắng nghe rất đầy đủ ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, dư luận xã hội trước những dự án công nghiệp qui mô lớn, có những tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội địa phương, đến sinh hoạt của người dân.

Nhưng quan trọng hơn nữa, việc xem xét kỹ, ra quyết định chính xác, nói "không" với những "đại dự án" có thể có những đóng góp lớn về sản lượng, việc làm, nộp ngân sách nhưng không đảm bảo an toàn về môi trường như chỉ đạo trên của Thủ tướng với dự án thép Hoa Sen-Cà Ná cho thấy, Chính phủ sẽ có thái độ rõ ràng hơn với những dự án kiểu này, đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững đã được xác định.

Trao đổi với người viết bài này, một số cán bộ của Tập đoàn Tôn Hoa Sen có nói rằng, thời gian này, khi biết dự án chưa được thông qua, "sếp" của họ- ông Lê Phước Vũ đang "rất buồn". Nhưng có sao đâu, nếu ông Vũ buồn mà người dân vui vì môi trường, môi sinh ở vùng mà ông Vũ định lập "đại nhà máy" sẽ vẫn được bảo vệ.

Nói như chính người đứng đầu Chính phủ nêu tại cuộc họp nói trên: “Đối với tỉnh Ninh Thuận, để phát triển không chỉ đầu tư nhà máy thép, nhà máy điện hạt nhân mà còn có rất nhiều lợi thế khác như: đầu tư năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp hữu cơ…". Cho nên, đừng chỉ lấy cớ rằng, có dự án thép Hoa Sen-Cà Ná, Ninh Thuận mới phát triển được để bao biện cho dự án "điều tiếng" này.

Mạnh Quân