“Kê khống”, “cầm nhầm” và tiền dân không phải là vỏ hến!

(Dân trí) - Nếu hiểu một cách đơn giản và cũng bản chất nhất, ăn cắp tức là lấy của người khác về làm của mình thì có lẽ trong tiếng Việt, ít có từ nào nhiều “biến thái” như hai từ này. Đó là “chôm chỉa”, “đạo chích”, “hai ngón”, “tham ô”, “tham nhũng”… và cả “cầm nhầm”, “kê khống”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chuyện “ăn cắp” bị gọi là “cầm nhầm” khá đặc sắc và hài hước, xuất hiện cách đây khoảng vài chục năm. Người viết bài này đã từng nghe hai cô bạn gái nói chuyện với nhau, rằng “tớ có cái ví, để trong hòm của tớ, đằng ấy có “cầm nhầm”, cho tớ xin lại”.

Hơ! “Cái ví của tớ”, lại “để trong hòm của tớ” mà “đằng ấy có cầm nhầm” để rồi “cho tớ xin lại” thì quả là chuyện hơn cả hài hước.

Song, nó còn “vui” hơn nữa khi đi vào văn học dân gian với câu “thành ngữ” khá nổi tiếng: “Tăng xin, giảm mua, tích cực… cầm nhầm”.

Về chuyện “kê khống”, xét về bản chất cũng là hành vi gian dối hòng lấy của người khác về làm của mình. Nghĩa là bản chất cuối cùng, nếu theo cách hiểu ở trên, nó chính là hành vi ăn cắp.

Việc “kê khống”, có lẽ thời nào cũng có. Tuy nhiên thời nay, hình như nó đang phát triển mạnh mẽ với một qui mô khó ai có thể tưởng tượng ra.

Ngày xưa, khi đi chợ mua cái gì đó cho người khác, những người không thật thà thường “kê khống” lên một chút. Ví như mua một đồng, bảo đồng mốt, đồng hai, tức là có chút “phết phẩy”, thường là rất nhỏ so với giá trị của món hàng đó.

Thế nhưng ngày nay, việc “kê khống” không còn là “chút đỉnh” mà nó thường rất “khủng”. Nhiều khi, nó gấp nhiều lần giá trị gốc của sản phẩm đó. Tất nhiên, khi “khổ chủ” là tiền dân do Nhà nước quản lý.

Cách đây ít lâu, trong vụ xét xử Dương Chí Dũng, theo kết luận tại phiên tòa, chiếc ụ nổi 83M chỉ có giá hơn 2 triệu USD. Thế nhưng khi mua, nó đã được “khống” lên tới giá 9 triệu USD, chênh 7 triệu USD, cao gấp hơn 4 lần giá trị thật.

Tại Qui Nhơn, một trạm biến áp nhà thầu trúng thầu với giá 30 tỉ đồng, khi đấu giá lại, số tiền cuối cùng chỉ là 7 tỉ, chênh lệch tới 23 tỉ đồng, cũng gấp hơn 4 lần giá trị thật.

Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh việc kê khống ở Sở y tế Gia Lai. Trong đó, gói mua trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Lao phổi có giá trị thực 12,1 tỉ đồng nhưng được kê lên 22,3 tỉ đồng (chênh lệch 10,2 tỉ đồng).

Gói mua máy thở tại Bệnh viện tỉnh có giá 6,6 tỉ đồng nhưng được kê 10,1 tỉ đồng (4,5 tỉ đồng). Gói mua trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tâm thần kinh giá 5,6 tỉ đồng nhưng được kê lên 16,7 tỉ đồng (11,1 tỉ đồng).

Gói mua trang thiết bị y tế cho Bệnh viện huyện Chư Pứh chỉ 9,6 tỉ đồng nhưng được kê lên 22,1 tỉ đồng (12,5 tỉ đồng). Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, giá kính hiển vi phẫu thuật thần kinh cột sống cũng chênh lệch so với thị trường 8,7 tỉ đồng.

Đọc những con số trên, lại tiếp tục giật mình vì so với giá gốc, mặt hàng kê khống ít nhất (máy thở) cũng gần 50% (6,6 tỉ đồng lên 10,1 tỉ đồng). Còn mặt hàng kê khống cao nhất, xấp xỉ gấp 3 lần (5,6 tỉ lên 16,7 tỉ đồng).

Song, không chỉ “giật mình” mà còn xót xa bởi tiền mua thiết bị y tế là tiền của người bệnh đóng góp. Những bệnh nhân khốn khổ vì ốm đau không chỉ phải trả với giá cắt cổ mà hoàn toàn có thể, họ mua hàng xấu tính tiền hàng tốt, để từ đó dẫn đến phát hiện bệnh thiếu chính xác hoặc việc điều trị không đảm bảo và hậu quả không loại trừ được trả bằng mạng sống của dân.

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã gửi văn bản thông báo kết quả kiểm toán cho UBND tỉnh Gia Lai đề nghị xử lý, khắc phục.

Không biết rồi đây, Gia Lai sẽ “xử lý, khắc phục” theo hướng nào? Liệu có chuyển cơ quan công an để khởi tố vụ án hay là “xử lý nội bộ”? Thậm chí, nếu khởi tố vụ án, biết đâu lại chỉ cho ra những bản án không đủ sức răn đe như trong vụ đấu thầu thuốc tại sở này cách đây 4 năm (2012)?

Nếu lại chỉ “khắc phục” rồi “kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc” thì quả là hài hước và bất công bởi như đã nói ở trên, về bản chất đây là hành vi ăn cắp, lấy của nhiều người khác về làm của mình. Mà đã ăn cắp thì không có chuyện "nếu bị phát hiện thì trả" mà thôi được bởi tiền của người bệnh không chỉ là mồ hôi mà còn là máu nên càng không thể coi như “vỏ hến”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám