Học sinh đánh nhau, lỗi phải chăng chỉ tại các em?

(Dân trí) - Khi mà còn có “một bầy sâu – lời nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang” thì tất yếu, sâu mẹ đẻ ra sâu con, sâu con sinh ra sâu cháu…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ, chưa bao giờ tình trạng học sinh đánh nhau (mà chúng ta hay gọi “nhẹ” đi là “bạo lực học đường”), thậm chí hành hạ nhau bằng những hành động hết sức dã man lại nhiều như bây giờ.

Kinh hoàng hơn, các em không chỉ đánh nhau trong cơn bột phát mà còn là những hành động được chuẩn bị, thậm chí “lên kế hoạch” và càng kinh khủng hơn nữa, còn chủ động quay clip đưa lên mạng như một “chiến tích”, được bạn bè… “cổ súy”.

Trả lời phỏng vấn Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá: “Mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay. Những vụ việc đó đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội”.

Đánh giá nguyên nhân, Thứ trưởng Nghĩa cho rằng nguyên nhân trước hết là các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống, chưa có đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày, về sự giáo dục từ giáo dục gia đình, một số bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, internet…

Đây là những nguyên nhân đúng nhưng chưa đủ. Nếu phải chọn một nguyên nhân, mình cho rằng đó là sự tha hóa của đạo đức xã hội. Nói thẳng ra là từ người lớn chúng ta là chủ yếu.

Trong một xã hội, con người đối với con người đã thật sự “Người với người sống để yêu nhau – thơ Tố Hữu” chưa? Nếu một khi mà tệ nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền không phải là một lúc, một nơi thì làm sao đòi hỏi ở trẻ em sự trung thực.

Nếu như khi mà người với người “đạp” lên nhau để tranh giành, để tiến thân, làm sao đòi hỏi con trẻ tương thân, tương ái. Nếu một khi mà sự vô cảm vẫn còn tràn lan trong xã hội, sao đòi hỏi con trẻ thương yêu nhau? Nếu một khi người lớn chưa là “gương”, sao trẻ em thấy để làm “mẫu”? Nguy hiểm hơn, có phụ huynh còn đến tận trường để “tính sổ” với thầy cô, sao đòi hỏi học trò kính thầy, yêu bạn?

Khi mà còn có “một bầy sâu – lời nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang” thì tất yếu, sâu mẹ đẻ ra sâu con, sâu con sinh ra sâu cháu…

Để có một tài năng văn chương, khoa học, có thể do “đột biến gien” còn để có một gia đình văn hóa, là sự tích cóp nhiều đời, từ đời này sang đời khác.

Xin đừng đổ tất cả cho internet hay phim bạo lực bởi internet và phim bạo lực hầu như đều xuất xứ từ những quốc gia văn minh và đó không phải là những quốc gia có tỉ lệ bạo lực học đường cao nhất.

Xin cũng đừng đổ hết lỗi cho “cơ chế thị trường” bởi những gia đình chịu tác động lớn nhất của kinh tế thị trường đâu phải là cái nôi của bạo lực học đường.

Người xưa có câu “Giọt trước rỏ đâu, giọt sau rỏ đó”… Con cái là sản phẩm của chúng ta và muốn có sản phẩm tốt, xin người lớn hãy nhìn lại chính mình, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám