Du lịch và chuyện nhận đồng Nhân dân tệ, chuyện không nhỏ

(Dân trí) - Tuần trước, nhiều tờ báo phản ánh ở một số địa phương, đặc biệt ở ở Đà Nẵng (khu vực chợ Sông Hàn), nhiều cửa hàng, nhiều người bán hàng vẫn vô tư nhận đồng nhân dân tệ (NDT) do khách du lịch Trung Quốc thanh toán. Đây thực sự là điều đáng ngạc nhiên.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ở thành phố Đà Nẵng, người ta có thể dễ dàng ghi được các hình ảnh mua bán bằng đồng NDT của các tiểu thương ở chợ, của các thợ chụp ảnh...với khách Trung Quốc. Một tiểu thương chợ Hàn trả lời:"Ở đây, ai cũng mua bán tiền Trung Quốc mà. Nhưng mà tôi là tôi cũng lấy tùm lum, đưa tiền gì lấy tiền đấy".

Thậm chí có người còn khẳng định:"Không có ai nhắc nhở hết, không nghe nói gì hết", khi được hỏi rằng, có biết việc bán hàng, nhận bằng đồng NDT như vậy là vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước.

Đây thực sự là điều không thể chấp nhận được ở một thành phố được cho là đã làm khá tốt việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cho dù, phần lớn các địa điểm kinh doanh đã chấp hành tốt nhưng vẫn còn để một khu vực mua bán sầm uất diễn ra tình trạng trên.

Tình trạng sử dụng ngoại hối trong giao dịch ở Việt Nam cách đây hơn 10 năm là khá bừa bãi. Chính vì thế năm 2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quản lý ngoại hối, trong đó điều 22 nêu rõ: " Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép".

Trong 2-3 năm trở lại đây, việc bắt buộc thực hiện quy định trên đã khá gắt gao và cơ bản đã đi vào nề nếp. Mặc dù vẫn còn nơi này, nơi kia có chuyện niêm yết, giao dịch trực tiếp bằng ngoại tệ nhưng khi bị phát hiện là bị xử lý ngay.

Tuy nhiên, với xu hướng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam gia tăng rất mạnh trong 1-2 năm trở lại đây, tình trạng ở một số địa phương, nhất là ở các chợ, trung tâm thương mại gần biên giới trong đó có cả Lạng Sơn (Tân Thanh), Quảng Ninh (Móng Cái), nhất là gần đây, ở Đà Nẵng, khu vực chợ Hàn, việc nhiều tiểu thương trực tiếp nhận đồng NDT khi bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc xảy ra như vậy là điều đáng trách với cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Với việc có nhiều người dân, ở một khu thương mại khá sầm uất như vậy còn không biết đến điều 22 của Pháp lệnh Quản lý ngoại hối thì việc giải thích, tuyên truyền pháp luật đến người dân như vậy đã không được thực hiện đến nơi đến chốn.

Nhưng cũng đáng mừng, ngay ở Đà Nẵng, đã xuất hiện những cửa hàng, cửa hiệu treo biển:"Không nhận thanh toán bằng đồng NDT". Đây là những việc làm đáng hoan nghênh, cho thấy cũng có nhiều người dân rất có ý thức bảo vệ giá trị đồng nội tệ (VND).

Bất cứ ai đã đi du lịch sang Thái Lan đều dễ dàng nhận thấy, không vị khách du lịch nào có thể trả tiền bằng ngoại tệ, kể cả đồng đô la Mỹ khi mua bán hàng hoá, dịch vụ vì người dân Thái hoàn toàn chấp hành quy định cấm mua, bán trực tiếp bằng ngoại tệ của Chính phủ của họ. Chính vì thế, khách Trung Quốc khi du lịch ở Thái cũng rất đông nhưng hầu như không có hiện tượng đưa đồng NDT như ở Đà Nẵng vừa qua.

Chúng ta không kỳ thị khách du lịch Trung Quốc vì cho dù cũng có không ít khách du lịch đến từ Trung Quốc khi tới Việt Nam không được văn minh, lịch sự như khách đến từ Châu Âu, Châu Mỹ...Nhưng cũng nhiều người vẫn chấp hành tốt pháp luật Việt Nam như khách du lịch từ các quốc gia khác. Việc lượng khách Trung Quốc đến du lịch ở Việt Nam ngày càng tăng cũng là điều đáng mừng, cho thấy các điểm đến của Việt Nam cũng rất hấp dẫn và điều này góp phần thúc đẩy dịch vụ du lịch nhiều địa phương phát triển, góp phần tăng thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, có những vị khách không thực sự thân thiện, cố ý vi phạm hay tỏ ý coi thường quy định của Việt Nam thì cơ quan quản lý ở địa phương, và cả người dân cần phải có thái độ kiên quyết. Theo như lời nhiều chủ cửa hàng thì có nhiều vị khách du lịch Trung Quốc mặc dù đã đổi đồng NDT sang tiền Việt để thanh toán. Nhưng khi mua bán hàng, vẫn cố ý đưa đồng NDT ra để trả.

Đó là việc làm, thái độ không đúng mực mà hộ dân, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải dứt khoát thể hiện thái độ, từ chối và cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt mạnh tay với các cơ sở, điểm bán hàng vi phạm.

Bởi nếu để tình trạng mua bán trực tiếp bằng ngoại tệ diễn ra thường xuyên và gia tăng theo mức độ tăng rất nhanh của khách du lịch Trung Quốc, đó sẽ là một nguyên nhân làm suy yếu đồng nội tệ và khiến các đối tượng khách du lịch này coi thường luật pháp của Việt Nam. Tình trạng này còn kéo dài sẽ làm giảm hiệu quả của những nỗ lực đưa công tác quản lý ngoại hối của Nhà nước vào nề nếp.

Mạnh Quân