Đổi mới sáng tạo và “tiếp thị khoa học”

(Dân trí) - Để cho việc đầu tư cho khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn, không chỉ doanh nghiệp đi tìm nhà khoa học mà nhà khoa học cũng phải đi tìm doanh nghiệp

>> Tăng 19 bậc, Việt Nam vượt Thái Lan về chỉ số sáng tạo toàn cầu

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2015 xếp hạng thứ 52 trên 141 quốc gia, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm trước, đó là báo cáo của tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Một bước tiến khá ngoạn mục, bởi vì năm 2013 Việt Nam xếp hạng thứ 76,  năm 2014 tăng lên 71 và năm 2015 là 52.

Một năm tăng 19 bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là rất đáng kể. Và ở mốc năm nay, Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Thái Lan, xếp vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia. Vị trí thứ ba ASEAN  nằm trong kế hoạch đến năm 2020, nhưng đã đạt được sớm hơn 5 năm, đó cũng là một sự khích lệ cho ngành khoa học công nghệ của Việt Nam.

Vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số đổi mới sáng tạo tăng vọt là nhờ tiểu chỉ số đầu ra, cụ thể là có nhiều công bố quốc tế được đăng trên các tạp chí khoa học, đặc biệt là có nhiều sản phẩm khoa học được ứng dụng cao hơn vào sản xuất và đời sống. Đây chính là điểm nổi bật nhất, đáng vui mừng nhất và cũng đáng khích lệ nhất. Những sản phẩm trí tuệ ứng dụng được vào thực tiễn chứng minh hùng hồn sự thành công của khoa học, sự phát triển của khoa học và sự đầu tư hiệu quả cho khoa học công nghệ. Không có sản phẩm ứng dụng thành công, không thể nói đến chính sách cho khoa học thành công.

Tuy nhiên, để tăng thứ hạng hoặc ít nhất giữ được vị trí số 3 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (G II) trong khu vực, Việt Nam phải cải thiện tiểu chỉ số đầu vào. Với kết quả vừa qua, Việt Nam được xếp hạng tăng cao là do các tiểu chỉ số đầu ra được đánh giá cao (hạng 39) trong khi tiểu chỉ số đầu vào của Việt Nam thấp (hạng 78). Một trong những thước đo của chỉ số đầu vào chính là đầu tư cho khoa học công nghệ.

Mới đây, sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt hàng tiến sĩ “mắt thần”’ Nguyễn Bá Hải sản xuất 300.000 kính để tặng miễn phí cho người mù Việt Nam là một gợi ý cho việc đầu tư cho khoa học. Đó là hãy thực tế, nếu ai có những ý tưởng sáng tạo tốt, có thể ứng dụng vào sản xuất và đời sống thì hãy bỏ tiền ra đầu tư. Sản phảm khoa học đó ra đời để sống cùng với sản xuất kinh doanh, không phải chết trong ngăn kéo. Nhà nước đặt hàng nhà khoa học có thực tài, trả tiền xứng đáng thì chắc chắc có sản phẩm đầu ra chất lượng.

Đầu tư cho khoa học công nghệ không chỉ việc riêng của nhà nước mà còn nhiều thành phần khác. Doanh nghiệp muốn tồn tại, cạnh tranh để phát triển thì dứt khoát phải đổi mới công nghệ. Cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích, sản phẩm trí tuệ là những công cụ để đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Các công cụ đó luôn cần thiết đối với doanh nghiệp. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển những vũ bão, không thể có doanh nghiệp nào đủ sức tồn tại nếu như không đổi mới công nghệ sản xuất.

Nhưng để cho việc đầu tư cho khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn, không chỉ doanh nghiệp đi tìm nhà khoa học mà nhà khoa học cũng phải đi tìm doanh nghiệp. Nếu như nhà khoa học có công trình, dự án, hãy tìm doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất tương ứng để giới thiệu công trình. Nếu gặp nhau ở cùng mục tiêu lợi ích, chắc chắn sẽ có sự hợp tác hiệu quả. Sau đó, sẽ sinh ra lợi ích chung cho xã hội và tất nhiên chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam sẽ vươn lên bậc cao hơn.

Các nhà khoa học hãy mạnh dạn đi “tiếp thị khoa học” như tiến sĩ Nguyễn Bá Hải tiếp thị công trình của mình trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chắc chắn các vị sẽ có các nhà đầu tư thông minh sẵn sàng hưởng ứng và nhiệt tình hợp tác.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!