Dinh thự “siêu khủng” của gia đình Giám đốc Sở và “lương bèo” lãnh đạo

(Dân trí) - Mấy hôm nay dư luận được phen “dậy sóng” trước dinh cơ “siêu khủng” được cho của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái. Theo mô tả trên báo chí, đó là một quần thể dinh thự gồm biệt thự, nhà sàn, cầu treo, hồ nước và nhiều hạng mục khác tọa lạc trên vị trí đắc địa thuộc địa bàn.

Dinh thự “siêu khủng” của gia đình Giám đốc Sở và “lương bèo” lãnh đạo - 1

Không chỉ vậy, dư luận còn không khỏi băn khoăn về việc chỉ trong vòng 1 ngày (20/7/2015), 6 quyết định liên tiếp đã được ông Nguyễn Yên Hiền (Phó Chủ tịch UBND TP.Yên Bái) ký để chuyển đổi hơn 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý.

Hiện Thanh tra tỉnh Yên Bái đã có quyết định tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định về đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với hộ gia đình vị lãnh đạo sở.

Trong khi đó, ông Quý khẳng định, người sở hữu khu đất là vợ ông. Ông này cho biết, vợ ông làm kinh doanh và có tài sản riêng của cá nhân cùng với mấy người chị em trong gia đình.

Tạm thời xin chưa đề cập đến tính pháp lý trong câu chuyện này, vì công tác thanh tra mới chỉ bắt đầu và nói không chừng sẽ dễ dẫn đến chụp mũ, quy kết, thậm chí vu khống người khác. Tuy nhiên, người viết vẫn có mấy dòng trăn trở.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên những khối tài sản “khủng” của gia đình quan chức bị “lộ” trên báo chí. Hồi cuối năm 2014, dư luận từng sửng sốt trước danh sách tài sản gồm nhà, biệt thự mang bóng dáng ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ do ông này và người thân nắm giữ. Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xác minh làm rõ, ông Truyền bị xác định mắc một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất và bị kỷ luật cảnh cáo.

Rồi chỉ mới cách đây vài tháng, khối tài sản cổ phiếu giá trị đến 600-700 tỷ đồng của một gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Công ty bóng đèn Điện Quang – một doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý cũng khiến dư luận, người dân xôn xao một thời gian.

Tâm lý người dân nói chung (không chỉ ở ta) đều rất muốn tìm hiểu về thông tin tài sản của giới quan chức. Có khi đơn giản chỉ là tò mò, nhưng có khi còn là thái độ giám sát, xem nguồn gốc những tài sản “khủng” đó ở đâu mà ra? Vì đến cùng mà nói, lương bổng quan chức đều được chi trả từ tiền thuế của nhân dân.

Sẽ không ai chấp nhận những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của hàng triệu dân lại được sử dụng không đúng mục đích, phục vụ cho đời sống riêng tư của một nhóm cá nhân nào đó. Đó chính là tham ô, trục lợi và là vi phạm pháp luật.

Rất khó để nói mức lương như thế nào là cao, thấp với các lãnh đạo. Ngay cả đến cấp nguyên thủ thì vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các nước. Có những lãnh đạo nhận thu nhập rất cao như Thủ tướng Singapore lương gần 2 triệu USD/năm, gấp hơn 40 lần thu nhập một người dân Singapore bình thường; Tổng thống Mỹ lương khoảng 400.000 USD… Nhưng cũng có những vị lãnh đạo lương khiêm tốn như vị Chủ tịch Trung Quốc dù lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng cũng chỉ có mức lương dưới 2.000 USD/tháng.

Lương hiện hành của các lãnh đạo nước ta tính theo hệ số, cao nhất chưa tới 16 triệu đồng/tháng – thậm chí thấp hơn nhiều so với lương lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và thấp hơn cả lương bình quân của nhiều ngành nghề trong xã hội.

Vì quy định của Nhà nước là như vậy nên sẽ không có gì khó hiểu khi người ta đặt ra những dấu hỏi lớn với những cán bộ cấp sở, ngành có thể xây được những dinh thự lớn hay mua được xe sang, cho con cái đi du học bằng tiền tự túc… Tương tự với dinh thự “khủng” của Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái cũng vậy.

Song, có lẽ cũng sẽ có nhiều người băn khoăn như người viết: Lãnh đạo Nhà nước hay địa phương cũng là một nghề, đảm đương nhiều vai trò quan trọng, có những quyết định tác động lớn đến đời sống nhân dân… nên mức thu nhập và chế độ đãi ngộ không thể như một người dân thường.

Việc nặng – lương thấp, đó là nghịch lý. Và nghịch lý đó nếu không được giải quyết thì việc chống tham nhũng rất khó khả thi, cho dù có buộc cán bộ Nhà nước phải kê khai tài sản thường xuyên với một cơ chế giám sát nhất định đi chăng nữa thì cũng khó tránh khỏi những lỗ hổng.

Bích Diệp