Để không có bộ… “công du” nào nữa!

(Dân trí) - “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nhưng trong hàng nghìn cuộc công du cũng không phải không có những chuyến đi “du hí” trá hình, mà sau đó sản phẩm ngoài vài bản báo cáo vô bổ thì đất nước chẳng thu được lợi lộc gì…

Để không có bộ… “công du” nào nữa! - 1

1,4 tỷ đồng, đây là khoản phải chi cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương trong chuyến đi “Tìm hiểu thị trường nguyên liệu và dự hội chợ tại Cuba, Argentina và Panama” kéo dài 12 ngày năm 2016.

Trong đó, riêng chi phí cho cựu Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa lên tới trên 320 triệu đồng; bà Lê Thị Thu Hương hết 207 triệu đồng; ông Phan Chí Dũng (thời điểm đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công Thương) hết 353,7 triệu đồng; ông Đào Vân Hải hết 353,7 triệu đồng; bà Vi Thị Ngọc Trâm hết 153,35 triệu đồng.

Những số liệu này được Thanh tra Chính phủ rà soát, thống kê lại và được báo Dân trí đăng tải ngày 28/6/2018. Chuyến đi do ông Vũ Huy Hoàng (thời đó còn là người đứng đầu Bộ Công Thương) ký duyệt.

Tất nhiên, chuyện công cán nước ngoài không chỉ ở Bộ Công Thương mà còn có ở nhiều cơ quan, đơn vị khác. Nhìn chung, các chuyến đi này đều có mục đích “khảo sát”, “nghiên cứu”, “học hỏi”… và nếu không phải dùng tiền ngân sách thì sẽ do doanh nghiệp trong ngành tài trợ. Đó cũng chính là lợi thế của Bộ Công Thương so với những bộ, ngành khác.

Giữa bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, các khoản chi ngày càng bị siết lại, thì trong chuyện đi công tác nước ngoài, những bộ, ngành nào quản lý nhiều doanh nghiệp sẽ càng có lợi thế.

Người viết không phủ nhận ý nghĩa của các chuyến công tác này. Bởi đương nhiên “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, dẫu sao đi ra các nước học hỏi, khám phá thêm để về ứng dụng vào thực tiễn công việc là điều rất cần thiết và đáng khuyến khích. Tuy nhiên, trong số đó cũng không phải không có những chuyến đi “du hí” trá hình, mà sau đó sản phẩm ngoài vài bản báo cáo vô bổ thì đất nước cũng chẳng thu được lợi lộc gì…

Thành ra, từ những chuyến đi này lại sinh ra một bộ phận những cán bộ trông chờ “mở mang tầm mắt” bằng nguồn tài chính “bất tận” của ngân sách, của doanh nghiệp (thì có phải tiền túi đâu mà phải nghĩ). Nhân tiện, còn là cơ hội để những cá nhân này (thậm chí còn cả vợ con, tuỳ tùng) đi mua sắm hàng xa xỉ, rồi còn kinh doanh được cả hàng xách tay (thêm một nghề tay trái!).

Rồi không phải chỉ có đi công tác nước ngoài, thực tế còn có những khoản chi phí cho tiếp khách, cho du lịch tập thể, vân vân và vân vân.

Đương nhiên, tiền không tự dưng sinh ra cũng không tự mất đi. Tiền doanh nghiệp thì cũng là tiền chứ chẳng phải lá đa, lá mít. Có câu “không bữa ăn nào là miễn phí”, doanh nghiệp cũng chẳng tự dưng mà chi tiền làm gì.

Có những doanh nghiệp khi được “mời tài trợ” cũng phải gồng mình lên mà chi trả, bộ phận kế toán phải “nát óc” để mà hợp lý hoá và rồi đương nhiên, lợi nhuận cũng hao hụt đi một phần tương tự. Mồ hôi, nước mắt của nhân viên cả!

Trong khi đó, người ta có quyền đặt câu hỏi: Nếu không phải là vì giữ quan hệ, vì được quan tâm, để ý hoặc thậm chí là bớt khó dễ hơn trong dự án này, dự án nọ… thì liệu có những khoản tài trợ đó hay không?

Và đương nhiên dư luận cũng sẽ có quyền thắc mắc, trong số những chuyến công du với “học phí” đắt đỏ đó, bao nhiêu khoản chi sẽ được chuyển hoá thành các cơ hội làm ăn, bao nhiêu khoản chi là “bôi trơn”, là “chi phí ngoài”? Để rồi từ đó sinh ra những khái niệm mà nay gọi là “sân sau”, “nhóm lợi ích”.

Thiết nghĩ, để rộng đường dư luận, các đơn vị liên quan nên có câu trả lời thoả đáng, một là để “trắng, đen” rõ ràng, hai là, đỡ mang tiếng ra!

Bích Diệp