Đại biểu “cắp ô” & “điểm danh” nơi nghị trường Quốc hội!

(Dân trí) - Đại biểu “cắp ô” là “tâm tư” của một vị đại biểu đã từng nhiều năm gắn bó với các hoạt động của Quốc hội, TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII, XIII.

 

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo báo Vietnam Net ngày 14/11, bài Thảo luận ở Quốc hội giống như “công chức cắp ô”, ĐB Trần Du Lịch “phàn nàn” rằng “thảo luận ở Quốc hội giống như công chức, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, đúng giờ là nghỉ dù vẫn còn nhiều ý kiến”. Các ĐBQH như ông không được đối thoại trực tiếp với ban soạn thảo, chỉ được nghe báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội, "nghe xong đồng ý hay không cũng không được đối thoại lại".

“Ví dụ, chỉ một lát nữa thôi, chúng ta thông qua việc phân bổ ngân sách, giờ tôi đọc tài liệu còn nhiều chỗ chưa hiểu, chưa thể đồng tình nhưng không có thời gian để đối chất”. Rồi TS Lịch “tâm tư”: “Muốn phiên họp có chất lượng thì tranh luận phải đi đến cùng, ta cứ quy định hành chính theo kiểu chỉ được nói một phút, ba phút, rồi cứ nghe UB Thường vụ QH tiếp thu mãi thế này, tôi rất tâm tư”.

Cùng quan điểm với TS Lịch, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng nhận xét: "Quốc hội ta cơ bản là Quốc hội tham luận, chưa chuyển sang tranh luận. Cần có quy định về điều hành phiên họp để đại biểu được thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, khắc phục việc đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn, mà đôi khi cả chục bài tương đối trùng nhau".

Phó bí thư, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng có chung nhận định trên.

Đây là những nhận xét rất chính xác bởi không gì buồn hơn mỗi khi chứng kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tay lăm lăm tờ giấy, mắt chăm chắm… đọc. Không tranh luận, không phản biện, các ý kiến ấy chỉ được “tiếp thu” mà chẳng hiểu có tiếp thu hay không? “Tiếp thu” phần nào, mức độ nào?

Trong khi đó, đáng ra phải là những cuộc tranh luận “nảy lửa” để tìm chân lý.

Thế nhưng hiện nay còn xuất hiện tình trạng nhiều đại biểu không “cắp ô đi” nữa mà vắng mặt luôn.

Tại phiên thảo luận Dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 24/09/2015 vừa qua, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã đưa ra kiến nghị rất thực tế, đó là cần điểm danh và tổng hợp hàng tuần để những đại biểu nghỉ nhiều thấy… ngượng mà không dám vắng mặt nữa.

Công bằng thì việc vắng mặt của các đại biểu thường có rất nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân là do đại biểu của ta kiêm nhiệm nên việc nhiều, kỳ họp lại kéo dài cả tháng mà công việc cơ quan, địa phương không thể bỏ bễ. Nhiều đại biểu ở gần Hà Nội cứ ban ngày đến họp, đêm về lại lao vào giải quyết công việc.

Về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch đã có những phân tích rất thuyết phục: "Ví dụ một đại biểu là chủ tịch tỉnh, nếu yêu cầu ông ấy có mặt 6 tuần ở kỳ họp thì công việc ở địa phương ra sao? Nếu mọi việc ở địa phương vẫn trôi chảy, chứng tỏ ông chủ tịch đó là 'người thừa'. Nhưng nếu ông ấy nhất định phải về giải quyết công việc ở địa phương thì lại vướng cơ chế quy định của Quốc hội".

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước thì “Trách nhiệm quan trọng số một của người ĐBQH là phải tham dự đầy đủ các ngày họp, vì Quốc hội làm việc tập thể”.

Trở lại với ý tưởng “điểm danh” cho “ngượng”, thành thật là nó… thế nào ấy. Vì việc điểm danh bằng thẻ điện tử thì có ý kiến rằng dùng thẻ điện tử vẫn có thể điểm danh thay hoặc "cứ cắm ở đó không rút" mà chả lẽ lại… gọi tên rồi đến ai thì “có” như trong… lớp học?

Vì thế, có lẽ đã đến lúc Quốc hội cần có một nội qui kỳ họp thật chi tiết và thấu đáo, tránh tình trạng phải “điểm danh đại biểu” và cũng không nên để tình trạng đại biểu “sáng cắp ô đi” xuất hiện ở nơi nghị trường Quốc hội.

Bùi Hoàng Tám