Cuộc “điểm quân” cho một chiến dịch lớn!

(Dân trí) - Có thể coi cuộc gặp gỡ ngày 9.5 “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như cuộc điểm quân cho chiến dịch "hậu dịch covid 19”.

Cuộc “điểm quân” cho một chiến dịch lớn! - 1

Nhìn lại công cuộc phòng chống dịch Covid 19 vừa qua, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của người dân, những đóng góp to lớn của “tiền quân” là các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an thì tại “hậu phương”, sự đóng góp của “hậu quân” cũng không hề nhỏ. Đặc biệt là các bộ ngành trong lĩnh vực kinh tế và an sinh xã hội.

Cụ thể như với Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc quan trọng nhất là giữ vững tỉ giá hối đoái, giảm lãi suất cho vay, gia hạn thanh toán cho một số đối tác… hệ thống ngân hàng thành viên còn đóng góp hàng ngàn tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Các bộ  như Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn giữ vững thị trường, không để các mặt hàng thiết yếu tăng giá hay khan hiếm (riêng thịt lợn tăng trước khi có dịch).

Bộ Thông tin Truyền thông góp phần to lớn trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục và phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh đến với mỗi người dân.

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cùng với hỗ trợ người lao động, chính sách người có công còn góp phần rất lớn vào công tác an sinh xã hội qua gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ đồng, tạo công ăn việc làm, chống thất nghiệp...

Thành công hôm nay là thắng lợi của cuộc “chiến tranh nhân dân” với sự đóng góp của tất cả các bộ, ngành và đoàn thể.

Song, xin được nhắc lại, thắng lợi trong cuộc chiến đã khó, khắc phục hậu quả cuộc chiến còn khó hơn rất nhiều.

Trước mắt, chúng ta còn vô vàn những khó khăn, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội và giáo dục đào tạo.

Chính vì thế, ngay khi khai mạc Hội nghị ngày hôm qua (9.5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến cộng đồng doanh nghiệp sáu đề nghị, đó là yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, sáng tạo và có niềm tin.

Thủ tướng còn yêu cầu không than nghèo kể khổ, mà mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương, mỗi người dân cần chống “virus trì trệ” để vượt qua khó khăn.

Đây là những thông điệp hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ trong công cuộc “chấn hưng” nền kinh tế.

Song, về phía doanh nghệp, chắc chắn vẫn còn trăn trở bởi trong sản xuất, kinh doanh, họ vẫn còn gặp không ít những “rào cản” kể cả về chính sách và các hành vi gây khó khăn của cá nhân những người trực tiếp thực thi công vụ.

Người dân và doanh nghiệp vẫn chờ đợi cuộc đổi mới thể chế kinh tế một cách sâu rộng, hiệu quả và như lời người xưa, trong cái rủi có cái may, đây chính là thời cơ rất tốt để thực hiện công cuộc đổi mới thể chế kinh tế này như lời của Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc: “Khi tôi hỏi nhiều doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, họ không xin tiền mà chỉ xin cơ chế”.

Xin đừng bỏ lỡ “thời cơ vàng” như lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”,

Cũng mong rằng sau đây sẽ là thời điểm “bật lên” của nền kinh tế như lời của Thủ tướng tại Hội nghị: “Như lò xo bị nén lại trong mấy tháng qua, giờ bật lên để phát triển, có chí thì nên chứ không bàn lùi, than nghèo, kể khổ; phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng”.

 Bùi Hoàng Tám