Công cụ “kiểm chứng sự thật” có hỗ trợ được niềm tin thời @?

(Dân trí) - Không thể tưởng tượng được, theo VTV, tại một thành phố của Macedonia đã có hẳn một ngành công nghiệp tin giả. Chỉ riêng trong đợt bầu cử tại Mỹ, ở đây đã sản sỉnh ra 150 trang mạng giả và một cư dân 18 tuổi của thành phố này đã kiếm được 68.000 USD trong 6 tháng chỉ bằng việc lập một trang tin giả.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nghe mà thấy bó tay. Mặc dù mới đây chính phủ Indonesia đã thành lập hẳn một cơ quan chuyên xử lý các thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Cơ quan này có nhiệm vụ theo dõi các tin tức để kiểm chứng sự thật. Nó được thành lập sau khi tin tức giả về một cuộc chiến tranh sinh học lan trên mạng đã gây náo loạn ở nước này.

Cũng vừa mới đây, để chống lại nạn tin giả, trang mạng lớn nhất thế giới Facebook đã công bố một dự án báo chí nhằm tạo ra “một hệ sinh thái tin tức lành mạnh”, trong đó Facebook hợp tác với các đơn vị cung cấp thông tin để xác định sản phẩm, hỗ trợ các nhà báo trong việc kết nối với độc giả và thúc đẩy nhận thức giúp người dùng nhận biết các thông tin đáng tin cậy.

Trước đó, theo thông tin từ một số trang mạng xã hội, “Người khổng lồ” Google cũng đã công bố bổ sung thêm “fact-check”- một tag mới trên ô tin tức của ứng dụng cấp tin Google News và coi đó là công cụ kiểm tra sự thật cho các bản tin của họ. Ứng dụng này được coi là "một bước tiến lớn trong việc kiểm chứng sự thật". Theo đó, người đọc tin có thể kích chuột vào các đường link được cung cấp để kiểm chứng thêm, xem thông tin do bài báo cung cấp đúng hay sai.

Theo giới chuyên gia, các công cụ kiểm chứng sự thật này không ngăn chặn được những tin tức có tính chất sai lệch mà chỉ làm được việc hạn chế, gây cản trở cho những người muốn đưa tin sai. Có vẻ như tình trạng “Con kiến mà leo cành đa…” vẫn tiếp tục bám đuổi việc kiểm chứng sự thật trong địa hạt thông tin thời @, khi mà bạn cùng lắm cũng chỉ có thể cung cấp thêm cho người khác thông tin của người thứ ba hay đe dọa bỏ tù những kẻ đưa tin giả.

Nói vậy để thấy, tính xác thực của thông tin, trong nhiều trường hợp chỉ là tương đối và nhận thức, niềm tin của bạn chính xác đến đâu phụ thuộc vào “bộ lọc” thông tin của chính bạn. Ai đó đã nói “Sự thật do mình tìm thấy bao giờ cũng chính xác hơn sự thật mà người khác đem lại”.

Chúng ta đã hơn một lần chứng kiến những thông tin sai sự thật làm sai lệch nhận thức, gây mất uy tín cá nhân, tổ chức, gieo tâm lý hoang mang, bất ổn cho xã hội như thế nào.

Vụ thông tin dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam gây lo lắng vào năm 2014; Thông tin một công ty ở Quảng Ninh xảy ra chập điện khiến hàng chục người chết gây náo loạn cuối tháng 3 năm 2016; Vụ ông nội bế cháu đi chơi bị một số kẻ quay clip trộm sau đó tung lên mạng facebook với nội dung“kẻ bắt cóc trẻ em”gây phẫn nộ hoặc những thông tin kiểu: trong sữa có đỉa; hủ tiếu nấu bằng thịt chuột cống; diễn viên A đã qua đời vì tai nạn, quan chức B mới chết không rõ lý do hay giám đốc nọ lừa đảo, công ty kia nợ nần v.v. và v.v.

Các thông tin giả (bịa đặt, không có thật), thông tin lừa đảo (xuyên tạc trên cơ sở một phần sự thật), thông tin thiên vị (bị lái theo mục đích riêng, động cơ riêng khi phản ánh)… xuất hiện với rất nhiều động cơ từ giật gân giải trí, câu like, cho đến gây rối, nói xấu, trả thù, bôi nhọ, hạ uy tín người khác hoặc triệt hạ đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh, chưa kể đến mục đích kiếm tiền từ Google, Youtube…

Có lẽ chỉ có sự thông thái và bản lĩnh, kinh nghiệm, kỹ năng tiếp nhận thông tin của chính độc giả mới giúp được họ trong bối cảnh thông tin đa chiều phúc tạp như hiện nay. Thận trọng, cân nhắc khi tiếp nhận, đừng để bị dắt mũi bới các thông tin, đừng dại dột để cho các “nhà đưa tin” với đủ loại động cơ khác nhau đưa mình vào các ma trận, sự vụ của họ. Đó có lẽ là cách tự bảo vệ, tự giúp mình hiệu quả nhất trước các vấn nạn tin giả chăng?

Nhưng (lại nhưng!), ngay khi đang chia sẻ với bạn rằng phải tỉnh táo, thận trọng khi đặt niềm tin vào ai đó và rằng không ai và không một công cụ nào có thể hỗ trợ được bạn trong việc bảo vệ niềm tin của chính mình thì chính Cát Thụy cũng đang có chút hoang mang “Liệu một vài thông tin mà mình vừa viện dẫn trên đây có thực sự đáng tin cậy không? khi mà bản thân mình cũng chỉ được biết chúng qua các trang mạng.”!

Cần bao nhiêu công cụ “kiểm chứng sự thật” để niềm tin của độc giả được hỗ trợ?

Cát Thụy