Có nên quy chuẩn hóa Áo dài để tránh “thảm họa thời trang”?

(Dân trí) - Festival Áo dài Hà nội 2016 với chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh vẻ đẹp Việt, văn hóa Việt vừa kết thúc với nhiều dư âm tốt đẹp và một gợi mở đầy trách nhiệm của các nhà chuyên môn. Đó là làm sao để không xảy ra “thảm họa thời trang” đối với áo dài.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chiếc áo dài của người phụ nữ Việt nam có một lịch sử hình thành lâu dài và được coi là nét kết tinh của văn hóa Việt. Không một bộ trang phục nào dù cổ điển hay tân kỳ, lại có thể tôn lên được nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam như tà áo dài.

Trong nhịp điệu ngày một gấp gáp của đời sống và trong vai trò ngày càng năng động của người phụ nữ hiện đại, để tà áo dài có thể đồng hành cùng chị em ở khắp mọi nơi, từ sân khấu, lẽ hội đến sinh hoạt hàng ngày, các nhà thiết kế thời trang đã không ngừng sáng tạo, cách tân, đem lại cho áo dài dân tộc những vẻ đẹp mới hiện đại.

Tuy nhiên, cũng từ đây đã xuất hiện những biến tấu gây tranh cãi như những thiết kế xẻ ngực, xẻ eo, khoét cổ và đẩy trễ vai quá đà làm mất đi vẻ đẹp quyến rũ nhưng tinh tế vốn có của chiếc áo dài truyền thống.

Trào lưu áo dài cách tân đang diễn ra rầm rộ hiện nay cũng đã xuất hiện một số mẫu thiết kế làm mất đi nét đặc trưng của áo dài, biến bộ áo dài Việt Nam thành thứ trang phục tựa như trang phục của phụ nữ Ấn Độ, Mông Cổ.

Trước thực tế này, một số nhà thiết kế cho rằng nên có quy chuẩn về chiếc áo dài để giữ gìn vẻ đẹp truyền thồng, giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhưng cũng có một số khác cho rằng quy chuẩn hóa áo dài sẽ làm hạn chế sức sáng tạo của các nhà thiết kế, làm nghèo bộ trang phục.

Áo dài đã trở thành một thứ quốc phục, “thảm họa áo dài” có thể coi là một nỗi lo đến sớm đầy trách nhiệm của các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, đây chỉ mới là nỗi lo đến từ trang phục. Còn một nỗi lo nữa đến từ người mặc. Một bộ trang phục chỉ toát lên vẻ đẹp khi nó được kết hợp hài hòa với ý thức, tinh thần, sắc thái biểu cảm của người mặc nó.

Có thể nói không ngoa rằng, áo dài mang trong nó nét tinh túy của tâm hồn dân tộc, nó luôn ẩn chứa một tinh thần (mà nhà thiết kế Minh Hạnh gọi là “linh hồn”) rất khó diễn tả. Chính vì thế đã có nhiều trường hợp, người dẫn chương trình trên truyền hình quốc gia dù sở hữu nhan sắc khả ái, diện bộ áo dài được thiết kế rất đẹp nhưng vẫn làm gợn lên trong người xem một cảm giác lệch lạc. Hình như họ đã thất bại khi đánh mất “linh hồn” bộ áo dài họ đang mặc, không hề có một mối liên kết nào giữa nhan sắc của họ với bộ trang phục và sự kiện.

Vẻ đẹp của tà áo dài thường gắn liền nét thùy mị, duyên dáng, đầy nữ tính của người phụ nữ Việt Nam. Chính phong thái, biểu cảm toát lên từ người phụ nữ đã góp phần làm nên vẻ đẹp của chiếc áo dài.

Cộng đồng mạng đã từng lên án về những bức ảnh xuất hiện trên mạng, trong đó các người đẹp chân dài sử dụng màu sắc nội y đối lập bên trong những tà áo dài bằng voan mỏng tang hoặc tạo dáng xoạc chân ưỡn ngực đầy sexy. Có cả các cô bé học sinh đi xe đạp buộc thắt áo dài lủng lẳng hoặc ngồi vén quần thật cao, thậm chí có người còn ngồi lên cả bia, tượng để tạo dáng khi đến thăm các di tích… Cách đây không lâu, hình ảnh phản cảm của một cô gái mặc áo dài nhưng lại mang quần tất, khoác áo da làm xôn xao cộng đồng.

Trang phục áo dài phụ nữ, cũng như bộ comple kinh điển của đàn ông, luôn đi kèm với ít nhiều chuẩn mực trong hành vi của người mặc. Một bộ trang phục sẽ đẹp khi nó được khoác lên vai một người đẹp (vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tinh thần). Và ngược lại các trang phục này sẽ thành thảm họa nếu nó khoác lên vai những người thiếu ý thức.

Sự cách tân cho trang phục truyền thống là một đòi hỏi tất yếu của đời sống. Vấn đề là làm sao để giữ được nét đặc trưng của trang phục và cũng là nét bản sắc của văn hóa dân tộc.

Gìn giữ nét đẹp của tà áo dài Việt là gìn giữ nét đẹp của người con gái Việt. Vì thế, giữ gìn bản sắc dân tộc trong tà áo dài còn là vấn đề giữ gìn nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Và như thế, bên cạnh các nhà thiết kế, những người phụ nứ mới, những cô bé của chúng ta cũng đóng một vai trò rất quan trọng.

Khi ý thức của người thiết kế và người sử dụng cùng gặp nhau, sẽ chẳng cần một quy chuẩn nào.

Cát Thụy