Có còn là kinh tế thị trường không với "giá trần, giá sàn"?

(Dân trí) - Cuối tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam lại gây bất ngờ khi đưa ra dự thảo quy định về khung giá trần vé máy bay. Có điều lạ nữa là với các hãng hãng không, có hãng lại ủng hộ và đề xuất thêm cả chính sách "giá sàn", có hãng lại phản đối chính sách trên.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cụ thể, theo dự thảo quyết định của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa là tăng khung giá trần vé máy bay hạng phổ thông thêm 7-16% tùy nhóm đường bay.

Theo thông tin báo chí đăng tải thì điều ngạc nhiên là Jestar Pacific, một hãng hàng không giá rẻ lại ủng hộ dự thảo của Cục HKVN. Hãng này thậm chí còn đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và áp giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần.

Điều lạ lùng là trong lập luận của Jestar Pacific như báo Vnexpress đưa tin, để lý giải cho việc đồng tình với dự thảo chính sách của Cục HKVN là: Giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức thấp hơn cả đường sắt, đường bộ sẽ tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải đường bộ, đường sắt (!).

Nói lạ lùng vì thường một doanh nghiệp cổ phần như Jestar thường chỉ quan tâm đến vấn đề doanh thu, lợi nhuận của mình, sao lại quan tâm đến cả vấn đề cơ cấu của ngành giao thông vận tải.

Trong khi đó, VietJet Air, một hãng hàng không tư nhân đã có thị phần nội địa ngang ngửa với Vietnam Airlines lại công khai bày tỏ sự không đồng tình vì cho rằng, chính sách này không phù hợp khi Nhà nước đang xây dựng nền kinh tế thị trường, khuyến khích cạnh tranh và thế giới chẳng còn mấy nước áp dụng cơ chế "giá trần, giá sàn" với tấm vé máy bay.

Sự không đồng tình của Vietjet Air cũng dễ hiểu vì để tồn tại, phát triển được trên thị trường với "ông lớn" Vietnam Airlines, giảm giá vé bay nội địa luôn là giải pháp cạnh tranh sống còn của hãng bay này.

Trước 2 luồng ý kiến như vậy, Cục HKVN hoàn toàn hiểu rằng, mỗi doanh nghiệp đều có động cơ, lợi ích khác nhau khi đề xuất, góp ý cho chính sách. Cục này hoàn toàn hiểu rằng, nếu chấp nhận một mức giá sàn cho cước phí đi lại đường không của hãng này sẽ gây khó khăn cho hãng khác.

Ví dụ như Vietjet, một khi ở mức giá sàn như nhau, xu hướng hành khách sẽ chuyển qua mua vé của Vietnam Airlines hơn vì dù sao, công bằng mà nói, là Hãng hàng không quốc gia, đã có hệ thống dịch vụ, kỹ thuật đồng bộ, có "tuổi đời" phát triển lâu hơn, dịch vụ của Vietnam Airlines sẽ ổn định hơn hãng hàng không mới nổi Vietjet.

Cho nên, ở vị trí của Cục HKVN, việc áp đặt một mức giá trần, giá sàn với lĩnh vực hàng không hiện nay cũng cần phải cân nhắc kỹ khi chính sách này trước đây đã từng áp dụng và dần dần được gỡ bỏ. Và thực tế, sau khi bỏ "giá sàn" với vé máy bay trước đây, thị trường hàng không đã cạnh tranh hơn, giá vé máy bay đã liên tục giảm, hàng triệu người dân được hưởng lợi. Hơn nữa, cũng cần phải xem lại, dự thảo chính sách mới của Cục HKVN có phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh mà Quốc hội đã ban hành năm 2014 hay không.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là ở một số lĩnh vực kinh doanh, việc cạnh tranh, bán phá giá hay còn gọi là cạnh tranh bằng mức giá "huỷ diệt" không phải là không có. Và đôi khi, nhà quản lý cũng phải cân nhắc áp dụng một giải pháp để ngăn chặn mà giá sàn là một cách vẫn được sử dụng. Nhưng trong lĩnh vực hàng không, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các hãng như Vietjet cũng không thể nào dùng phương thức này để cạnh tranh nổi với một hãng hàng không có tiềm lực tài chính mạnh hơn hẳn.

Cho nên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, ở vai trò quản lý, Cục HKVN có lẽ chỉ nên tổ chức quản lý, giám sát cạnh tranh cho tốt giữa các hàng hãng không, hãng nào vi phạm quy định về cạnh tranh, không đảm bảo chất lượng dịch vụ thì phải kiểm tra, xử lý. Việc đó mới đảm bảo lợi ích nhất cho người dân chứ không nên giữ mãi tư duy "giá trần, giá sàn".

Hiện nay, chỉ còn một số lĩnh vực mà nhà nước thấy cần thiết phải duy trì chính sách giá trần, giá sàn như giá điện, giá nước sạch, một số dịch vụ y tế, giáo dục. Việc giữ chính sách trên với ý nghĩa là bảo vệ lợi ích của người dân, bảo vệ sức khoẻ người dân, đảm bảo an sinh xã hội thì đúng đắn. Nhưng lý do "bảo vệ người dân" khi áp dụng chính sách giá trần, giá sàn với vé máy bay chưa chắc đã còn phù hợp.

Cũng như chính sách giá trần, giá sàn với một số sản phẩm, dịch vụ như thực phẩm, cước viễn thông... trước đây, cũng có rất nhiều lý do để giữ. Nhưng sau khi bỏ chính sách giá trần, giá sàn, như lĩnh vực viễn thông, với sự tham gia của nhiều hãng viễn thông, giá cước đã liên tục hạ mà chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.

Điều này thực tế cũng đã đúng với thị trường hàng không nội địa trong nhiều năm qua. Không lý gì lại quay lại với thói quen cũ.

Mạnh Quân