“Cơ chế mềm”, “chặt nhỏ”, “ân huệ tùy tiện” và BOT của ai?

(Dân trí) - Người dân chúng tôi chỉ muốn được trả đúng với giá tiền mà mình phải trả, những con đường làm đúng với giá trị thực của nó, không bị ăn gian, khai vống … và không tồn tại những “cơ chế mềm”, “chặt nhỏ”, “ân huệ tùy tiện” hay khuyến khích “ngầm”, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nếu một trong những vấn đề bức xúc nhất trong đời sống kinh tế hiện nay là thuế và phí thì mức thu tại các trạm BOT là vấn đề bức xúc nhất trong các vấn đề bức xúc. Đã có nhiều, rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Tại Hội thảo những vấn đề của Dự án BOT đường bộ tổ chức vào sáng 15/9, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thảng thốt kêu lên: "Không phải dự án BOT do chủ đầu tư có tiền hoặc vay tiền, xây dựng rồi đặt trạm thu phí là của họ, họ muốn làm gì thì làm hoặc xin gì thì cho".

Để làm rõ điều này, TS Kiên phân tích: "Điều đang gây tranh cãi nhất hiện nay, dự án BOT là của công hay của tư và cơ chế quản lý ra sao vì hiện chính sách quản lý BOT rất lỏng lẻo. Tôi khẳng định, dự án nằm trên đất, đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân thì Nhà nước vẫn thực hiện quyền quản lý. Nhà nước thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng, mời gọi anh vào và chỉ cho phép anh xây dựng khai thác, quản lý trong thời gian nhất định…".

Những điều vị Phó Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói đã phản ánh một nét cơ bản và cũng là câu hỏi bức xúc: “Đường của ai?”.

Câu hỏi này đã được ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính văn phòng Quốc hội cho biết, hiện phần lớn các nhà đầu tư chỉ có 11-15% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Vấn đề đặt ra là an toàn tài chính, nợ xấu xảy ra thì ngân sách Nhà nước lại phải xử lý.

Như thế là đã rõ. BOT nằm trên đất đai của Nhà nước, kinh phí xây dựng hầu hết là vay ngân hàng, nếu làm ăn thua lỗ thì lại trông vào cái túi có tên là “ngân sách nhà nước”, thực ra là tiền thuế của dân.

Thế nhưng việc quản lý, vận hành thì hết sức tùy tiện, lỏng lẻo. Ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt các vấn đề như quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí tối thiểu là 70 km, nhưng vẫn có "cơ chế mềm" để các trạm đặt quá gần nhau. Ví dụ, Quốc lộ 1 đã bị chủ đầu tư "chặt nhỏ" ra rất nhiều, có 32/88 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km.

Đối với cam kết về lợi nhuận cho nhà đầu tư thì “chẳng khác gì một dạng “ân huệ”, tùy tiện, cao thì 14-15% mà thấp thì 11-12%”.

Về cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí thiếu chặt chẽ điển hình là Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, thanh tra đã phát hiện nhà đầu tư báo cáo sai 500 triệu đồng/ngày.

Về vai trò của các bộ, TS. Nguyễn Đình Ánh cho rằng, xét trên khía cạnh lợi ích, ông “cảm giác” rằng Bộ KH-ĐT thì cần nhà đầu tư, huy động vốn. Bộ GTVT cần công trình, càng nhiều đường cao tốc càng tốt. Họ không có trách nhiệm gì trong việc kiểm soát nhà đầu tư, thậm chí còn khuyến khích công khai và cả ngầm để nhà đầu tư tham gia. Còn mục tiêu của nhà đầu tư BOT là tìm kiếm lợi nhuận, từ khi đầu tư đến vận hành và chuyển giao lại cho nhà nước.

Than ôi! Thế thì làm gì phí không cao, làm gì không phải è cổ ra mà gánh…

Một điều đáng lo ngại là hiện nay, giá xăng dầu đang ở mức thấp, chỉ khoảng 14 – 16 ngàn/lít xăng. Nếu như giá xăng dầu tăng trở lại mức của thời kỳ cao điểm 24 – 25 ngàn đồng/lít thì khi đó, nền kinh tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Làm được đồng nào không khéo đổ vào nuôi xăng dầu, thuế phí hêt.

Nhớ lại cách đây ít lâu, ông Đinh La Thăng khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong một bài trả lời phỏng vấn báo Dân trí đã nói: “Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”.

Xin thưa luôn, người dân chúng tôi không bao giờ muốn điều đó và cũng hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.

Người dân chúng tôi chỉ muốn được trả đúng với giá tiền mà mình phải trả, những con đường làm đúng với giá trị thực của nó, không bị ăn gian, khai vống … và không tồn tại những “cơ chế mềm”, “chặt nhỏ”, “ân huệ tùy tiện” hay khuyến khích “ngầm”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám