Chuyện “Cấm. Cấm hẳn. Đừng sợ!" & “đừng đem cái nghèo ra dọa”!

(Dân trí) - Một chủ đề không mới nhưng rất “nóng bỏng” vừa được xới lại bắt đầu từ cuộc hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp” do TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/4.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo phản ánh từ báo chí, ngay tại bản tham luận đầu tiên của PGS.TS Phạm Xuân Mai, ông Mai đã đưa ra nhận xét về sự né tránh tại tiêu đề hội thảo: “Tôi có cảm giác chúng ta sợ dư luận, sợ (người đi) xe máy quá. Nên thay vì nói là cấm xe máy thì cứ rón rén nói vòng quanh như kiểm soát xe gắn máy”.

Sau khi đưa ra những con số phân tích về “tội” của xe máy như gây ô nhiễm, thiếu an toàn, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, vị PGS này tuyên bố: "Do đó, không nên xem xe máy là phương tiện giao thông nữa, cần loại bỏ nó ra khỏi "danh bộ" các loại xe được chạy trên đường. Chúng ta đừng nói bằng "mỹ từ" kiểm soát xe máy nữa mà phải nói thẳng là cấm. Cấm. Cấm hẳn. Đừng sợ!". Không chỉ có thế, ông Mai còn quyết liệt khi cho rằng “phải từ bỏ tư duy đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”.

Tương đồng với PGS Mai, ông Hà Ngọc Trường, Ủy viên Liên hiệp các Hội KH&KT TP cũng cho rằng ùn tắc, ô nhiễm môi trường đang đe dọa, thách thức mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình...

Những phát biểu của các vị trên, đặc biệt là của PGS Mai đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Song, cũng không ít ý kiến bày tỏ sự đồng tình, tất nhiên, bằng ngôn ngữ “mềm dẻo” hơn. Trong đó, có cả ý kiến đề nghị ngược lại: Cấm ô tô!

Sở dĩ có những ý kiến khác nhau, có lẽ bởi có mấy lý do.

Thứ nhất, đó là sự quá tải của hệ thống giao thông. Tình trạng ách tắc, tai nạn và ô nhiễm do các phương tiện, trong đó vấn đề ô nhiễm có vai trò lớn của xe gắn máy là một sự thật.

Thứ hai, nhìn ở góc độ tích cực, đó là tín hiệu đáng phấn khởi bởi đời sống nhân dân sau những năm Đổi mới, đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Nếu trước đây, một làng, một xã có vài ba cái xe máy, một huyện có vài chục cái ô tô thì giờ đây, một gia đình có vài ba xe máy là bình thường, thậm chí có nhà có tới mấy chiếc ô tô.

Mặt khác, tại các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, tốc độ dân số tăng lên đáng kể. Điều này thể hiện “đất lành, chim đậu”, cư dân dồn về thành phố và các khu công nghiệp chính là biểu hiện của công cuộc CNH – HĐH.

Thứ ba, không loại trừ ý kiến đồng tình cấm xe máy là của những người đi ô tô và ngược lại, đồng tình cấm ô tô là của những người đi xe máy. Đó cũng là điều bình thường bởi là con người, tâm lý bảo vệ lợi ích của mình vốn không xa lạ.

Song, đáng chú ý là trong số các ý kiến, có quan điểm của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Trần Đại Quang. Tại buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4 để ghi nhận các kiến nghị trước Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, trả lời ý kiến của cử tri về hạn chế xe cá nhân, Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề an toàn giao thông, ùn tắc giao thông là vấn đề toàn cầu, nhiều nước gặp phải và đang xử lý chứ không chỉ riêng Việt Nam.

“Hạn chế, cấm xe máy cũng chỉ là đề xuất, một ý kiến đưa ra. Chúng ta tính toán xem có khả thi không, nếu khả thi thì phải có lộ trình cụ thể chứ không phải cấm ngay. Cấm ngay là nóng vội”.

Đây là ý kiến xác đáng bởi từ kinh nghiệm cấm xe tự chế, phải có giải pháp và cả hỗ trợ để chủ phương tiện chuyển đổi phương thức vận chuyển. Ví dụ nữa là việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng cần có các giải pháp từ tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến hạ xuống mức thấp nhất giá thành để mỗi người dân đều có khả năng tự sắm cho mình một chiếc mũ. Đối với việc cấm ô tô hay xe máy cũng tương tự. Cái quan trọng nhất là phải tìm cho được phương tiện thay thế mà ở đây, là giao thông công cộng.

Tuy nhiên, dù là lĩnh vực rất được quan tâm và tốn nhiều tiền của đổ vào, song đến nay khó có thể nói khác, giao thông công cộng vẫn là khâu ách tắc nhất mà trong đó, những nghi vấn trong việc “đội giá” xe buýt nhanh (BRT) vừa được báo chí phản ánh là một trong những nguyên nhân cơ bản.

Trong bài "Phát hiện gian lận trong hồ sơ đấu thầu xe buýt tại Hà Nội", Nhà báo Mạnh Quân cho biết, theo nguồn tin riêng của Dân trí, Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc cuộc thanh tra nội dung tố cáo có tình trạng gian lận hồ sơ tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe buýt tại Hà Nội.

Về cá nhân, người viết bài này cho rằng trước khi cấm ô tô hay xe máy, thì hãy cấm triệt để nhưng “gian lận” trong lĩnh vực này để từ đó, xây dựng hệ thống giao thông công cộng hữu hiệu.

Bùi Hoàng Tám