Chủ tịch tỉnh “hầu tòa” & liệu có còn “luật cho dân và lệ cho quan”?

(Dân trí) - Một thông tin đáng chú ý vừa công bố mới đây liên quan đến vụ việc thu hồi đất tại phương Kim Tân, thành phố Lào Cai. Đó là Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã bị người dân khởi kiện ra tòa. TAND tỉnh Lào Cai đã quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 25/7.

Chủ tịch tỉnh “hầu tòa” & liệu có còn “luật cho dân và lệ cho quan”? - 1

Cho đến thời điểm người viết viết bài này, vẫn chưa rõ kết quả xét xử vụ án ra sao, tuy nhiên, đây là một thông tin khá bất ngờ. Bất ngờ vì chuyện dân kiện quan chức xưa nay rất hiếm và đơn kiện được tòa án thụ lý, đưa ra xét xử lại càng hiếm hơn. Hiếm hơn nữa khi người bị kiện ra tòa lại đương chức Chủ tịch thành phố, Chủ tịch tỉnh!

Tôi không có cơ sở để nói ông Lê Quang Minh, Chủ tịch UBND TP Lào Cai và ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đúng – sai như thế nào. Kết luận thuộc về tòa án. Nhưng việccác ông này trở thành đối tượng bị khởi kiện trong một vụ án hành chính dường như đang phần nào khiến dư luận tin rằng: Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật. Phải chăng câu bùa chú “luật cho dân và lệ cho quan” đã mất dần “phép thiêng” vốn có?!

Tất nhiên cũng phải nói rằng, chuyện “dân kiện quan”, “dân kiện chính quyền” hiếm có nhưng không phải trước nay chưa từng có. Còn nhớ, cách đây vài năm từng có chuyện doanh nghiệp khởi kiện Cục thuế và Bộ Tài chính ra tòa, kết quả là cả hai đều thua kiện.

Vụ thứ nhất xảy ra năm 2014 khi Công ty TNHH Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) được tòa tuyên thắng kiện Bộ Tài chính, được nhận lại số tiền hơn 7,1 tỷ đồng mà Thanh tra Bộ Tài chính đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ.

Vụ thứ hai vào hồi tháng 9/2015, Công ty CP Thương mại Phú Lễ Việt Nam được TAND TPHCM tuyên bố thắng kiện Cục thuế TPHCM về việc truy thu và phạt doanh nghiệp này gần 5,6 tỷ đồng.

Tất nhiên, chẳng ai lại mong chính quyền, cơ quan Nhà nước sai để mà bị kiện ra tòa cả. Nhưng sau một vụ kiện cáo, việc tòa án chứng minh và tuyên bố phần thắng thuộc về phía người dân và doanh nghiệp lại có ý nghĩa rất lớn. Nómang tính biểu tượngcho sự công bằng, bình đẳng nhiều hơn là con số bao nhiêu tỷ đồngbên thắng kiện nhận được.

Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định trước cộng đồng doanh nghiệp hồi tháng 5 vừa qua: Chính phủ kiến tạo không chỉ có tự do kinh doanh sáng tạo mà còn bảo vệ được sự an toàn, tài sản, vốn cho nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp; không chỉ có chi phí thấp mà rủi ro thấp, đảm bảo công bằng.

Khi quan chức, các cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, sai đâu xử đấy thì sẽ nâng đỡ niềm tin trong dân chúng. Người ta sẽ dám thẳng thắn hơn, dám đấu tranh cho cái đúng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân mà không còn e ngại rằng “được vạ thì má cũng sưng”.

Thế nhưng, thực tế vẫn còn đó không ít băn khoăn…

Hồi cuối năm ngoái, việc một doanh nghiệp tư nhân kiện Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã gây xôn xao dư luận. Tại thời điểm đó, doanh nghiệp tư nhân Đức Thủy đệ đơn kiện Cục Thuế tỉnh vì cho rằng cục thuế địa phương này thu sai gần 1,7 tỷ đồng. Đơn khởi kiện đã được TAND tỉnh thụ lý.

Để rồi thông tin mới nhất đưa ra vào tháng 6/2017 lại khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng. Theo đó, ông Đặng Tiến Đức, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Thủy đã bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Công an Hà Tĩnh) bắt do cáo buộc trốn thuế hơn 2 tỷ đồng. Một số người đặt câu hỏi: Nếu ông Đức không kiện cục thuế thì ông có bị khởi tố hay không?!

Nói cho cùng, trước sự soi chiếu của pháp luật, mọi điều đều có thể xảy ra. Bất luận bên nào yếu thế thì quan trọng nhất vẫn là phần thắng thuộc về lẽ phải, công lý không bị bẻ cong. Một kết luận công bằng khó mà đạt được nếu mọi thứ chỉ là “đóng cửa bảo nhau”, không công khai, minh bạch cho mọi người dân được biết.

Bích Diệp