Chủ quan - “bệnh nan y” mà phổ biến của cơ quan quản lý

(Dân trí) - “Các cơ quan quản lý có một căn bệnh là… bệnh chủ quan” – nhận xét này được bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nêu ra tại phiên chất vấn sáng 14/7 khi nói về việc tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh này bị giảm 3,4%, đặc biệt vụ việc giống lúa Thiên Ưu 8 bị mất mùa trầm trọng.

Chủ quan - “bệnh nan y” mà phổ biến của cơ quan quản lý - 1

Cụ thể, sau khi nghe vị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lý giải về những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, thậm chí cho biết “hết sức trăn trở” và đã thừa nhận “thấy mình có phần trách nhiệm trong đó”, bà Y nói rất thẳng thắn:

“Vụ lúa đông xuân, trong đó giống lúa Thiên Ưu 8 đã mất mùa thảm, dù nguyên nhân có thể do thời tiết, giống hay của cơ quan quản lý thì trách nhiệm chủ quan vẫn là số một. Có một căn bệnh trong các cơ quan quản lý là bệnh chủ quan. Mấy vụ trước được mùa nên mùa này chủ quan”.

Chỉ là một trường hợp rất cụ thể, nhưng thực ra, vị lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã khái quát rất đúng về nguyên nhân của rất nhiều vấn đề khác liên quan đến quản lý, điều hành trên phạm vi cả nước, của nhiều địa phương, thuộc nhiều lĩnh vực.

Ngay như tại lĩnh vực nông nghiệp, trong suốt những năm qua, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ vang lên liên tục, người tiêu dùng hết kêu gọi “giải cứu” dưa hấu rồi hồ tiêu, chanh leo, đến chuối, thịt lợn...

Quy luật thị trường “sờ sờ” ra đó, dư cung đương nhiên giá giảm, thế nhưng vì sao không rút được kinh nghiệm mà vẫn sai lầm này vấp tiếp sai lầm khác? Đó chẳng phải là do chủ quan hay sao?

Hay như mấy ngày vừa qua, mưa lũ gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất tại 12 tỉnh miền núi phía bắc, làm 16 người chết và 3 người mất tích, nguyên nhân cũng được chỉ ra là do người dân chủ quan nên vẫn đi lại qua các ngầm, tràn hoặc đi vớt củi trên sông, suối. Còn chính quyền các địa phương, phải chăng cũng đã chủ quan, không lường hết được mức độ nghiêm trọng của tình hình nên đã không có được những biện pháp cảnh báo, ứng phó kịp thời?

Thái độ chủ quan có khi là do khả năng tiên liệu của cơ quan điều hành, của người lãnh đạo không sát thực tế, không tính hết các tình huống. Nhưng cũng có lúc chủ quan lại đến từ sự thờ ơ, tắc trách. Chủ quan gắn với bảo thủ, không chịu thay đổi dù đã có những cảnh báo, khuyến nghị được đưa ra…

Chỉ vì sự chủ quan đến từ một người đứng đầu, một nhóm điều hành, một cơ quan, đơn vị có chức năng nhưng hậu quả xảy ra lại rất lớn, không kiểm soát nổi, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, thậm chí của vượt ra ngoài phạm vi quản lý.

Bây giờ, khi nhìn lại những dự án đội vốn, chậm tiến độ... phân tích sẽ thấy sự chủ quan của công tác phê duyệt đầu tư, lựa chọn nhà thầu. Nhìn những quy hoạch treo, những ách tắc trong chính sách phát triển… sẽ thấy có sự chủ quan khi soạn thảo, thiết kế quy hoạch, chủ quan khi không tổ chức và lắng nghe thấu đáo ý kiến phản biện từ nhiều bên.

Ngay cả những dự án nghìn tỷ đồng đắp chiếu, những doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ triền miên… thì một phần nguyên nhân nội tại cũng là sự chủ quan của người đứng đầu trong vấn đề chọn thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng, trong lựa chọn nhân sự, nhìn nhận con người.

Cũng phải nói thêm rằng, nếu đơn thuần chủ quan gắn với năng lực, dù cố gắng nhưng vẫn để xảy ra sai sót thì còn có thể thể tất phần nào. Nhưng chủ quan, phớt lờ những cảnh báo, coi nhẹ hậu quả và với động cơ, mục đích cá nhân không trong sáng thì sự “chủ quan” đó phải bị trả giá.

Tiếc rằng, phần lớn sau những lần thừa nhận “còn có phần chủ quan, buông lỏng…” mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương… đưa ra, họa hoằn lắm mới có một lời “xin lỗi”, “xin nhận trách nhiệm”… và cũng chỉ để đấy mà thôi!

Bích Diệp