Chiếc xe không chỉ chạy bằng xăng dầu

(Dân trí) - Từ 12 giờ ngày 22.4, xăng A92 tăng 210 đồng/lít. Cùng với xăng, dầu diezen cũng tăng 170 đồng/lít. Tăng giá xăng dầu ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân và đẩy giá các loại hàng hóa và dịch vụ tăng theo.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

 

 Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn đưa ra những lý do tăng giá để thuyết phục Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Người dân và doanh nghiệp chỉ việc rút tiền túi để chi thêm cho khoản tăng đó.

 

Nhưng lần tăng này trúng ngay thời điểm siết trọng tải xe. Siết trọng tải xe là đúng, không nói lôi thôi gì sất. Và tất nhiên kéo theo cú siết này là giá vận tải tăng cao. Doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn để vận tải hàng hóa, bởi vì đường sắt thì làm ăn như thời bao cấp, đường biển cũng không lợi ích gì, chỉ có đường bộ gồng gánh.

 

Phí vận tải tăng vì siết trọng tải, phí lại tăng chồng vì tăng giá xăng dầu. Ngoài những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối phó, cuối cùng, thì người tiêu dùng phải trả cho giá đầu ra của món hàng. Trăm dâu đổ đầu tằm là vậy.

 

Nhưng phí vận tải hàng hóa không chỉ  tăng do siết trọng tải hay giá xăng dầu tăng, mà còn một khoản phí khác, đó là nạn mãi lộ. Một chuyến hàng xuôi Bắc hay ngược Nam không chỉ trả tiền xăng dầu. Đây cũng là một yếu tố làm mất sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

 

Bi hài kịch của thị trường vận tải còn được nhìn thấy ở các góc khuất khác. Nhà xe phải chở quá tải để bù đắp các chi phí tiêu cực. Nhưng khi qua được cảnh sát giao thông thì cũng phải đối phó với các trạm cân. Đối phó bằng nhiều cách như né đường, né giờ kiểm tra và có luôn cả đút lót. Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong ngày 18/4, bài Xe quá tài vẫn thoát nếu “làm luật”, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM cho biết, xe quá tải vẫn có thể qua được trạm kiểm soát nếu chịu làm luật 1,2 triệu đồng/chuyến.

 

Vậy là thêm một loại chi phí vào giá thành vận tải. Bởi vì chiếc xe không chỉ chạy bằng xăng dầu.

 

Vậy thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để lành mạnh hóa thị trường vận tải Việt Nam. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính chỉ muốn chở đúng tải, không phải chung chi cho mãi lộ hay đút lót trạm cân. Họ muốn kinh doanh và cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, uy tín thương hiệu. Nhưng những loại tiêu cực đang tồn tại làm méo mó thị trường. Muốn làm ăn tử tế cũng không xong.

 

Phân tích như vậy để thấy rằng, nếu tăng giá xăng dầu theo quy luật của thị trường thì bắt buộc mọi chủ thể kinh doanh và tiêu dùng đều phải chấp nhận. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội để thành công và phát triển.

 

Và, thiết lập lại một thị trường lành mạnh không phải chỉ là siết tải trọng mà phải dẹp cho bằng được các tiêu cực đang hoành hành.

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!