Chỉ mong luôn ghi khắc lời của Tổng Bí thư...

(Dân trí) - Có lẽ, một trong những điều trăn trở nhất đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là gìn giữ sự trong sạch của Đảng và cũng có lẽ đó là một trong những lý do quan trọng để ông Trọng dù tuổi đã cao, đã xin rút nhưng tại Đại hội Đảng vừa qua, ông vẫn nhận được sự tín nhiệm rất cao từ các đại biểu.


(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định…”)

(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định…”)

Là người luôn nghiêm khắc với bản thân và gia đình, ông cũng luôn đòi hỏi những người đồng chí của mình phải thật sự trong sạch, gương mẫu nên mỗi khi nói về sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên, ông không ngần ngại dùng những lời kiên quyết nhất, mà phát biểu của ông tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 27/5 vừa qua là một ví dụ.

Sau khi nêu bật những thành tựu đã đạt được cũng như khẳng định sự đúng đắn trong đường lối của Đảng, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh…

Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng.

Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng…”.

Không chỉ dừng ở đó, Tổng Bí thư còn chỉ rõ: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi.

Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ.

Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên”.

Những điều Tổng Bí thư nói là rất đau xót cho một Đảng tự nguyện phấn đấu vì Tổ quốc và Nhân dân theo tinh thần “của dân, do dân, vì dân”. Song tiếc thay, những điều trên lại là sự thật, một sự thật diễn ra, phơi bày ra hàng ngày trong xã hội.

Có tình trạng “nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng” hay không”? Tất nhiên là có.

Có tình trạng “không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng”? Tất nhiên là có.

Có tình trạng “một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính”? Tất nhiên là có.

Có “một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy”? Cũng tất nhiên là có.

Thậm chí, số lượng những người “ăn của dân không từ một thứ gì” như lời của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan không chỉ là một vài con sâu “làm rầu nồi canh” mà “cả một bầy sâu” như lời của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Thậm chí, có cả hiện tượng “cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa” như lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (ĐB tỉnh Bến Tre), Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự cách đây ít lâu.

Chính những “ông vua con” “cưỡi lên đầu nhân dân” ấy đã làm suy giảm niềm tin đối với Đảng như lời của TBT Nguyễn Phú Trọng:Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hoá, hư hỏng, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”.

Vâng. Người dân không bao giờ giảm sút niềm tin ở một Đảng đã dũng cảm đứng lên giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Người dân không bao giờ giảm sút niềm tin đối với một Đảng nguyện cống hiến hết mình vì hạnh phúc nhân dân...

Chỉ mong rằng mỗi đảng viên hãy hiểu và ghi khắc lời của Tổng Bí thư khi ông nói về bài học từ Nguyễn Trãi: “vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại”.

Bùi Hoàng Tám