Câu hỏi “thảng thốt” đầy nghi vấn của ĐB Lê Như Tiến!

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, báo cáo Chính phủ trước ngày 31/3.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một thông tin đáng lẽ làm nức lòng dư luận thì ngược lại, đang gây rúng động những ngày qua. Đó là Dự án hệ thống cấp nước Sông Đà giai đoạn 2.

Nói làm nức lòng dư luận bởi bao năm nay, nước sạch luôn là nỗi khát khao, niềm mong mỏi lớn nhất của người Hà Nội. Đặc biệt là vào mỗi mùa hè khi mà đường ống cấp nước Sông Đà 1 liên tục đe dọa bị vỡ. Chỉ trong vòng vài năm, đường ống này đã lập một kỉ lục vỡ tới 17 lần và vẫn đang trong nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Nói nức lòng bởi đường ống lần này được đúc bằng gang, lại có giá đấu thầu rẻ đến gần 12% (khoảng 600 tỉ so với mức phê duyệt 5000 tỉ đồng), thời hạn hoàn thành khá nhanh, 48 tháng.

Thế thì đáng ra phải mừng chứ nhỉ? Nhưng không. Dư luận đang nóng lên các mặt báo và cả nghị trường Quốc hội.

Vì sao vậy? Đó là bởi đơn vị thắng thầu là một doanh nghiệp Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu tại sao lại “rúng động”?

Xin thưa, không có chuyện “chính trị, chính em” gì ở đây hay có thể cũng chẳng “có chất gây ung thư” như dư luận lo ngại mà bởi sau rất nhiều vụ làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc, chúng ta đã “ăn” quá nhiều “quả đắng”.

Đắng bởi biện pháp thi công thiếu an toàn. Đắng bởi tiến độ không đảm bảo. Đắng bởi thường bị đội vốn…

Về an toàn lao động, có lẽ vụ tai nạn ở Vũng Áng hay công trình đường sắt trên cao không phải là những vụ cuối cùng.

Về tiến độ, cách đây mấy năm, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có bản kiến nghị gửi lên Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đề nghị hạn chế các nhà thầu Trung Quốc.

Lý do là bởi hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ, nhiều dự án phải điều chỉnh tiến độ. Việc chậm lại 1-2 năm là phổ biến, thậm chí đến 3 năm trở lên.

“Kết quả đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, lý do chủ yếu khiến các dự án trên chậm tiến độ là do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính”. Bản kiến nghị viết.

Về đội vốn, có lẽ không thể không nhắc đến một dự án “khủng” hiện vẫn đang bế tắc, đó là tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh bị “đội” lên tới 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Ngay cả một dự án lớn như Boxit Tây Nguyên hiện cũng chưa có lời giải thỏa đáng.

Người xưa có câu, “Một sự thất tín, vạn sự khó tin”, nhất là trong kinh doanh thì chứ “tín” phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, với hàng loạt sự “thất tín” của một số nhà thầu Trung Quốc khiến dư luận lo ngại, “khó tin” là có lý do của nó.

Vì thế, đối với việc doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu dự án này, trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐB Bùi Thị An bày tỏ: “Có quá nhiều công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công kém khiến người dân lo lắng. Do vậy, người dân mất niềm tin vào năng lực nhà thầu Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu”.

ĐB Trần Du Lịch có cùng quan điểm với ĐB Bùi Thị An. Ông Lịch nói: “Từ xi măng lò đứng tới nhà máy điện, đường sắt trên cao rồi bao nhiêu công trình do nhà thầu Trung Quốc làm giá rẻ nhưng cuối cùng lại kéo dài thời gian thi công, đội giá lên... đã làm cho người ta mất cảm tình”.

Vậy câu hỏi đặt ra là đáng lý cần phải hạn chế làm ăn với nhà thầu Trung Quốc để tránh rủi ro thì vì sao rất nhiều dự án, đơn vị trúng thầu lại là các doanh nghiệp Trung Quốc? Có gì uẩn khúc ở đây không?

Cụ thể, đối với Dự án hệ thống cấp nước Sông Đà 2, nghi vấn này đã được Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) thảng thốt đặt thẳng ra bên lề Quốc hội: "Liệu còn có cái gì không phải chỉ là ham rẻ đằng sau đó không? Có lợi ích nhóm trong đó không?". Ông Tiến nói.

Còn nhớ TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã có lần nói thẳng: “Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót” và sẵn sàng lại quả tối thiểu 30% bằng "tiền tươi".

Vâng, “Có cái gì không phải chỉ là ham rẻ đằng sau đó không?”, “Có lợi ích nhóm trong đó không?” và nếu Trung Quốc là “bậc thầy mua chuộc, đút lót” như lời TS Lê Dăng Doanh thì ai bị mua chuộc và ai nhận đút lót?

Bùi Hoàng Tám