Cân, đo, đong, đếm… tham nhũng, được chăng?

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua đã phê duyệt thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát - vốn được gọi là “kinh tế ngầm”, bao gồm những hoạt động kinh tế chưa từng xuất hiện trong con số thống kê chính thức nào của Nhà nước và đương nhiên là không được phản ánh trong GDP.

m_kinh-te-ngam.jpg

 

Điều này được kỳ vọng sẽ phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, từ đó, các cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để “bóc trần” được các chiêu trò trốn thuế. Nói nôm na, tới đây, chúng ta sẽ “giải mã” được vì sao một số người không có nghề nghiệp “ổn định” nhưng lại có thu nhập cao, có “biệt thự triệu đô”, đi xe sang, mua đồ xa xỉ (như giới ca sĩ, người mẫu, diễn viên trong showbiz).

Có tính toán cho rằng, quy mô của khu vực kinh tế ngầm tại Việt Nam lên đến 28-30% GDP. Dù chưa rõ cơ sở nào để giới chuyên gia đưa ra nhận xét đó, song với việc bắt tay vào thống kê để đưa những số liệu này ra ánh sáng thì bức tranh kinh tế sẽ trở nên chân thực hơn. Do vậy, cá nhân người viết rất ủng hộ đề án này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đặt vấn đề rằng, liệu có thể thống kê tham nhũng và đưa vào GDP hay không? Thoạt tiên, người viết đã ngạc nhiên với câu hỏi này, bởi nếu tham nhũng thống kê được thì cũng phải tới khi các vụ việc “móc túi” ngân sách công bị vỡ lở rồi thì mới lộ ra để quan sát được. Đến lúc đó, giả sử nếu có muốn tính vào GDP thì cũng không biết nên tính vào kỳ thống kê nào. Đó là chưa nói, phần lớn tài sản tham nhũng đều đã bị “tẩu tán muôn phương”, biết tới khi nào mới đòi lại được.

Hơn nữa, cũng như nhiều hoạt động kinh tế phi pháp khác, người ta đã tham nhũng thì sẽ “cố tình che dấu” như cách nói của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, cơ quan cảnh sát điều tra chưa hẳn đã “sờ” vào được số liệu, huống hồ… cán bộ làm nhiệm vụ thống kê!

Trước báo giới, ông Nguyễn Bích Lâm cũng khẳng định, do tham nhũng không phải là hoạt động sản xuất nên không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin, tính toán của cơ quan thống kê lần này. Và về cơ bản, đã là “bất hợp pháp”, “phi pháp” thì phải loại bỏ, không được ghi nhận!

Có điều, người viết cho rằng, dù không được phản ánh trong bất cứ số liệu nào cấu thành GDP, dù cơ quan thống kê có ý định tìm hiểu, có thống kê hay không thì những thiệt hại từ các hành vi tham nhũng vẫn tồn tại rất chân thực và hiện hữu, kéo lùi sự phát triển lành mạnh của xã hội, tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế và “bào mòn” những nỗ lực, những đóng góp của các hoạt động kinh tế “đàng hoàng”.

Nhìn vào những vụ trọng án tham nhũng thời gian gần đây bị phát hiện, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhiều người không khỏi giật mình, xót xa. Điều nhức nhối hơn, trong khi con số hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng ấy bị một số cá nhân “tư túi”, “vụ lợi”; trong khi biết bao dự án bị xẻ ra để chia chác thì cũng có biết bao nghìn tỷ đồng khác nhẽ ra đã có cơ hội được sản sinh. Thiệt hại của GDP là ở chỗ đó.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, trong Báo cáo môi trường kinh doanh “Doing Bussiness”, Ngân hàng Thế giới (WB) thường đưa ra kết luận môi trường kinh doanh càng tốt, khả năng biến khu vực phi chính thức thành chính thức càng cao, môi trường kinh doanh tồi, những người kinh doanh muốn làm ở khu vực phi chính thức hơn là chính thức, không muốn hợp thức hoá hoạt động của mình.

Do đó, bên cạnh cho “lộ sáng” khu vực kinh tế ngầm thì việc cải thiện GDP còn phụ thuộc rất lớn vào kết quả chống tham nhũng. Hạn chế được tham nhũng, làm sạch môi trường kinh doanh thì không lo tăng trưởng! Và lúc đó người dân sẽ thực sự được hưởng lợi từ tăng trưởng.

 

Bích Diệp