Cái Tôi – Phép thử của Thượng Đế

(Dân trí) - Cái Tôi, được hiểu là cái tôi ý thức, bao hàm những đặc tính riêng để phân biệt cá nhân này với những cá nhân khác. Cái Tôi không có gì xấu, thậm chí nó có ý nghĩa đánh dấu sự tồn tại của một cá thể trong một cộng đồng.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong một vài lĩnh vực, ví như trong hoạt động văn học nghệ thuật chẳng hạn, cái Tôi là điều kiện tiên quyết quyết định sự sống còn cho cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Ai cũng có cái Tôi của mình. Nó là một phần quan trọng trong khí cốt một con người. Đứng trước cái Tôi, mỗi người có một cách ứng xử riêng và ứng xử đó là thông điệp quan trọng về con người họ. Ứng xử này cho thấy nhân cách, hiểu biết, độ từng trải… cũng như triết lý sống của mỗi người.

Nếu đề cao cái Tôi, nhiều khả năng bạn là người chỉ thấy những cái mình có mà không nghĩ đến những cái mình chưa có, thấy mình đúng mà không biết mình sai, thấy không ai bằng mình nên khó chấp nhận, lắng nghe người khác nói đến khuyết điểm của mình. Người đề cao cái Tôi riêng thường muốn mình là trung tâm của sự chú ý, họ hiếu thắng, thích áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Nếu đề cao cái Tôi quá mức, bạn chắc chắn là người tự mãn, kiêu căng, xem thường người khác, coi bản thân mình là trên hết, không biết chấp nhận cái Tôi của người khác và có nguy cơ trở thành kẻ bảo thủ, độc tài.

Ngược lại với người thích đề cao cái Tôi, là người tự hạ thấp cái Tôi - những người thiếu bản lĩnh, thiếu lòng tự tôn, thậm chí là bạc nhược, hèn nhát, không có lòng tự trọng. Họ mang trong mình phẩm chất bẩm sinh của những nô lệ, dễ dàng bị đám đông lôi kéo, kẻ khác xui khiến, giật dây, là công cụ trong tay kẻ mạnh. Họ chấp nhận nói điều mình không hề nghĩ, làm điều mình không thích làm, chỉ để làm vừa lòng người khác, để được khen, để yên phận.

Còn một loại người nữa ở giữa hai loại này, đó là loại người cố tình không đề cao cũng không hạ thấp mà tìm mọi cách dấu cái Tôi của mình đi, để được yên ổn, để hưởng lợi. Họ sống theo kiểu “Mũ ni che tai”, “Ngậm miệng ăn tiền”, biết những điều cần làm, nên làm nhưng họ chủ tâm không làm mà ngó ngơ, chờ người khác làm để mình hưởng lợi. Nhà văn Nguyễn Khải từng gọi loại người này là “những người đi ở giữa”. Trong dòng người, giữa dòng đời, họ là những người không đi đầu tiên, cũng không đi cuối cùng, họ chọn đi ở giữa. Và vì thế, họ luôn an toàn trong mọi trường hợp. Họ là những kẻ láu cá, cơ hội và thủ đoạn.

Còn những người không đề cao, không hạ thấp, cũng không tìm cách dấu nhẹm cái Tôi của mình, mà tự tin và điềm tĩnh bộc lộ nó trong mức độ tự cảm thấy ổn thỏa với tương quan chung giữa những cái Tôi khác trong một thế giới, họ là những người đàng hoàng. Những người này thường tự tin với điều mình nghĩ và sẵn sàng làm những điều mình muốn làm. Họ sẵn sàng trả giá khi cần, để bộc lộ cái Tôi của mình. Họ có thể không trở thành ông chủ nhưng họ cũng không bao giờ rơi vào tình cảnh của kẻ nô lệ, họ sống đúng con người mình với tất cả những gì mình có.

Nếu thử một lần tự nhìn vào cách ứng xử của chính mình với cái Tôi riêng, tôi tin bạn sẽ có cơ hội nhận được cái nhếch mép, cái cau mày hay một nụ cười của Thượng Đế.

Cát Thụy