“Cả nhà làm quan” hay chuyện lạm dụng quyền lực đã đến hồi báo động

(Dân trí) - Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 lần này đã điểm danh 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà.

“Cả nhà làm quan” hay chuyện lạm dụng quyền lực đã đến hồi báo động - 1

Ấy là những trường hợp đã được Bộ Nội vụ xác minh (tuy không được chỉ đích danh từng trường hợp tại báo cáo này), chưa kể những phản ánh làm “nóng” dư luận thời gian gần đây tại Hải Dương, Hải Phòng đang được kiểm tra, làm rõ.

Ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau khi bình luận về những con số này đã nói rất thẳng rằng, tình trạng trên phản ánh đúng câu vè lưu truyền trong dân gian: “Nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ”. Theo đó, “trí tuệ” từng được xếp ở vị trí thứ tư nhưng đã bị gạt ra ngoài.

Có câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Lịch sử bao đời nay đã chứng minh rằng, giai đoạn nào xuất hiện nhiều nhân tài thì đất nước thời kỳ đó hùng mạnh. Mà muốn bổ nhiệm đúng, bổ nhiệm trúng nhân tài thì không thể có chuyện chỉ dựa vào “trực hệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ” để tuyển người.

Dù 58 người ở 9 địa phương so với hàng nghìn cán bộ ở 63 tỉnh, thành cả nước không phải là nhiều nhưng khi Chính phủ buộc phải đưa vào báo cáo, công khai trước Quốc hội, trước nhân dân thì thấy rằng, trường hợp lạm dụng quyền lực trong vấn đề bổ nhiệm đã trở nên hết sức báo động.

Người viết bài này đã thử tìm kiếm cụm từ “cả nhà làm quan” trên Google và giật mình nhận ra, với quá nhiều kết quả, dường như câu chuyện này đang trở nên phổ biến, thành lệ thường ở nhiều nơi. Đó là đang nói về những lùm xùm đã trở nên “to chuyện” khi bị báo chí phát giác. Còn những vụ việc chìm khuất khác, thử hỏi con số thực tế phải khủng khiếp nhường nào?

Mới đây thôi, báo Dân trí vừa đăng tin ông Phạm Nông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bổ nhiệm “thần tốc” ông con trai Phạm Trung Hiếu (mới làm việc 6 tháng) vào chức vụ Phó trưởng khoa.

Còn nhớ, một vị doanh nhân cũng là một nhà đầu tư có tiếng trên thị trường chứng khoán gần đây đã chia sẻ rằng, bản thân ông không hề muốn giao cho con quyền lực và con cái ông cũng sẽ không muốn nhận “đặc ân” này. Bởi theo lý giải của ông, người thành đạt là người được làm nhiều nhất những gì mình thích. Ông khuyên con cái tìm cho mình một nghề để theo học mà ở đó có đam mê, phù hợp với năng khiếu, chứ không phải nương theo ý thích của người khác, kể cả của gia đình.

Trên thực tế, nếu một người thực sự có tài và tự trọng, họ sẽ ít khi đi theo con đường dọn sẵn mà gia đình, người thân tạo ra, phần vì tránh “cái bóng” người đi trước, phần vì tránh mang tiếng dựa hơi “con ông cháu cha”. Tất nhiên, không thể đánh đồng tất cả những trường hợp “hậu duệ” đều đi lên từ lợi thế gia đình khi bản thân họ có tài và muốn cống hiến.

Năm 2012 là thời điểm nhiều biến động xảy ra đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Nhiều lãnh đạo cấp cao dính vòng lao lý. Có ngân hàng đã cùng lúc mất đi gần như “bộ sậu” của mình, trong khi chiếc ghế Chủ tịch HĐQT không thể một ngày vắng người chèo lái. Thế rồi, một vị lãnh đạo trẻ đã xuất hiện và thực hiện nhiệm vụ khó khăn, đưa ngân hàng đó qua được cơn sóng gió bủa vây. Đó là con trai của người sáng lập ra ngân hàng nọ.

Trong trường hợp này không ai dè bỉu về thứ “đặc quyền đặc lợi” của vị Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi trên, bởi, dù là con nhà “trâm anh thế phiệt” nhưng anh ta được đào tạo bài bản, qua rất nhiều thử thách và chỉ được giao đứng vào vị trí quan trọng nhất đúng lúc tổ chức khó khăn nhất.

Vấn đề nằm ở chỗ, dù là tư nhân hay Nhà nước thì tuyển dụng cán bộ cũng không nên đặt thân thế làm trọng, cái quan trọng là bản thân người ứng tuyển có đủ phẩm chất, năng lực và phù hợp với vị trí được giao hay không. Điều đó cần một tiêu chí tuyển dụng minh bạch, rõ ràng, chứ không phải đơn thuần chỉ dựa vào tiến cử, giới thiệu.

Nói như ông Lê Thanh Vân, nếu bổ nhiệm mà không theo tiêu chí gì thì chỉ làm lợi cho những cá nhân lạm dụng quyền lực để đưa con cháu của mình nối dõi, nhằm trục lợi lợi ích kinh tế, vật chất mà thôi.

Quyền lực Nhà nước từ nhân dân mà ra, những người nắm quyền lực cần phải qua quá trình sàng lọc với những tiêu chí mà kể cả có dùng quan hệ hay tiền tài cũng không thể nào mua được! Có như vậy, bộ máy mới trong sạch và lành mạnh.

Bích Diệp