Xu hướng chọn ngành thi nói lên điều gì?

(Dân trí) - Hiện nay, việc thu nhận hồ sơ tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học năm 2011 đã cơ bản hoàn tất. Qua đó, có thể thấy xu hướng chọn ngành thi nói lên điều gì?

Vai trò của tư vấn hướng nghiệp
 
Trong thời gian qua, việc chọn ngành thi, trường thi đã trở thành mối quan tâm lớn của học sinh và của cả những bậc phụ huynh có con dự thi. Trên thực tế, việc chọn đúng trường thi, ngành thi phù hợp với năng lực học tập và sở trường của thí sinh sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả thi cũng như quá trình học tập (nếu trúng tuyển) và cơ hội tìm việc làm trong tương lai của mỗi người.

 

Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đóng vai trò quan trọng. Học sinh hiện nay có điều kiện hơn trong việc tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng không phải vì thế mà sự lựa chọn trở nên dễ dàng hơn. Nhất là khi phần lớn học sinh hiện nay chưa nắm vững cơ cấu ngành, nghề trong xã hội, không ít học sinh bị rối nhiễu thông tin trong khi lựa chọn ngành, trường dự thi. Qua tìm hiểu được biết, những học sinh may mắn nhận được sự định hướng trong việc chọn ngành tư vấn từ phía gia đình và nhà trường đã cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chọn ngành thi, trường thi phù hợp.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Theo ý kiến của các giáo viên có kinh nghiệm thì học sinh có thể xác định khối thi ngay từ khi bước vào cấp THPT. Lựa chọn khối thi phù hợp phải dựa trên thiên hướng, năng lực các môn (khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội) của mỗi học sinh. Qua tìm hiểu, phần lớn học sinh đã lựa chọn khối thi ngay từ lớp 10, 11. Việc sớm định hình khối thi đã tạo sự chuẩn bị kỹ về mặt tâm thế cho thí sinh trong học tập.

 

Song cũng có một số học sinh đến mãi năm học cuối cấp mới xác định khối thi. Đối với những học sinh học toàn diện, có kiến thức nền tốt thì việc đến năm lớp 12 mới quyết định khối thi không phải là vấn đề phải băn khoăn nhiều. Nhưng với học sinh có học lực trung bình thì việc lựa chọn khối thi muộn có thể gây ra những khó khăn nhất định, khi mà quỹ thời gian còn lại dành cho việc ôn tập là không nhiều.
 
Mùa tuyển sinh năm nay, trong khi số lượng thí sinh thi vào các khối A, B đang có chiều hướng gia tăng, thì lượng thí sinh thi vào các khối C, D đã giảm xuống rõ rệt. Lý giải điều này, nhiều học sinh cho rằng các khối A, B có nhiều ngành thi hơn nên dễ dàng cho học sinh trong việc lựa chọn và cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường của các ngành thi khối A, B cũng thuận lợi hơn.

 

Trong những mùa tuyển sinh gần đây các nhóm ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng rồi đến những ngành về kỹ thuật công nghệ là những nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi. Theo điều tra của Bộ GD&ĐT, đây là những nhóm ngành đang chiếm ưu thế, tỷ lệ sinh viên nhập học những nhóm ngành này từ năm 2003 đến nay đều tăng mỗi năm trên dưới một vạn sinh viên. Đây cũng có thể xem là một tín hiệu tích cực bởi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhu cầu về nguồn nhân lực ở những nhóm ngành này đang ngày càng gia tăng.
 
Trong số các trường có đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, công nghiệp, các ngành được nhiều thí sinh lựa chọn như: điện - điện tử, cơ khí, dầu khí, cơ điện tử, điện công nghiệp… Đây là những ngành nhu cầu xã hội đang cần nhiều nhân lực, “đầu ra” thuận lợi nên đang thu hút nhiều thí sinh.
 
Mỗi nhóm ngành học lại được tiếp tục chia ra các ngành nhỏ khác, chẳng hạn ngành cơ khí được đào tạo theo nhiều hướng như: cơ khí chế tạo máy, cơ khí nông lâm, cơ khí động lực, cơ khí điện tử, cơ khí đóng tàu… nên thí sinh đã dễ dàng hơn trong việc chọn cho mình một ngành thi phù hợp.
 
Xu hướng chọn ngành thi nói lên điều gì? - 1

(ảnh minh họa)
 
Chọn ngành theo cơ hội việc làm
 
Được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhiều học sinh hiện nay đã biết căn cứ vào điểm chuẩn ngành thi của các mùa tuyển sinh trước để cân nhắc, quyết định lựa chọn ngành thi phù hợp với năng lực học tập của bản thân. Những học sinh thi nhóm ngành kỹ thuật có học lực trung bình hoặc trung bình khá đã lựa chọn nhóm ngành có mức điểm chuẩn “cận sàn” như: công nghệ kỹ thuật nhiệt lạnh, công nghệ hoá học, công nghệ điện, công nghệ dệt may…

 

Trong những năm qua, những ngành này có mức điểm chuẩn khá thấp, dao động từ 15 – 16 điểm. Đáng chú ý là trong mùa tuyển sinh năm 2011, nhiều ngành học mới được mở ở nhiều trường đại học trong cả nước. Điều này giúp thí sinh tăng cơ hội để chọn ngành đăng ký dự thi. Tuy nhiên, do mù mờ về thông tin và không được tư vấn kỹ nên không ít thí sinh đã đua theo các ngành có vẻ “hot”, tên ngành “đẹp” để đăng ký dự thi mà không tìm hiểu kỹ thông tin về các ngành mới mở.

 

Thực tế cho thấy, một số ngành học mới mà nhiều trường đại học công bố thực chất có những ngành đã rất cũ. Chẳng hạn: quản lý công nghiệp, luật kinh doanh, quản trị kinh doanh tổng hợp, kiến trúc dân dụng… đã được các trường đại học khác đào tạo từ lâu. Thực chất của việc nhiều truờng thông báo mở thêm ngành mới là để tự làm mới mình và thu hút sự chú ý của thí sinh. Bài học trong mùa tuyển sinh năm 2010 vẫn còn khi nhiều thí sinh thi đậu nhưng khi theo học các chuyên ngành mới thì nản, thậm chí bỏ giữa chừng vì không phù hợp. Nhiều ngành mới không tuyển đủ chỉ tiêu khiến sinh viên phải chịu cảnh học ghép, học trái ngành.

 

Trong xu hướng chọn trường thi mùa tuyển sinh năm nay, những trường thuộc “top trên” như: ĐH Bách khoa, Đại học kinh tế quốc dân, Học viện ngân hàng, Học viện tài chính,… vẫn nằm trong “tầm ngắm” của nhiều thí sinh có học lực khá, giỏi. Những học sinh có học lực trung bình phần nhiều đăng ký dự thi các trường ĐH dân lập với những nhóm ngành đào tạo như trong các trường công lập, nhưng mức học phí sẽ cao hơn từ 2 – 3 lần.

 

Đáng nói là ở ngành đào tạo có nhiều nét đặc thù và rất cần người tài là ngành sư phạm lại không thu hút được nhiều học sinh có học lực khá, giỏi bởi cơ họi tìm việc làm của sinh viên sư phạm hiện nay đang khó khăn.

 

Một điểm đáng chú ý khác là năm nay sẽ có một lượng thí sinh không nhỏ đăng ký dự thi vào các trường ĐH phía nam. Theo nhiều thí sinh chọn con đường “nam tiến” thì điểm chuẩn một số trường phía nam trong vài năm qua đều thấp hơn, trong khi đó từ mùa tuyển sinh năm 2010, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định không giới hạn tính điểm ưu tiên khu vực.

 

Một vấn đề cần lưu tâm khác là dù có dấu hiệu giảm hơn so với các năm truớc, trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn có không ít thí sinh “mạnh tay” đăng ký dự thi ở nhiều trường khác nhau, đến sát ngày thi mới đưa ra quyết định cuối cùng sẽ thi trường nào. Hiện tượng này đã xảy ra ở các mùa tuyển sinh trước khiến cho nhiều trường ĐH tổ chức thi tuyển thấp thỏm nỗi lo hồ sơ ảo.   

 

Bùi Minh Tuấn

        (Nghệ An)

 

LTS Dân trí-Nhiều năm gần đây, xu hướng chung của thí sinh thường chọn những ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính và một số ngành khoa học công nghệ như điện tử viễn thông, xây dựng kiến trúc, công nghệ thông tin…Còn những ngành sư phạm, khoa học cơ bản, nhất là các ngành khoa học xã hội-nhân văn thì số người thi vào bao giờ cũng ít và cũng vì vậy, khó tuyển chọn được những học sinh giỏi.

 

Xu hướng chọn ngành thi như vậy chủ yếu vì mục đích người học là sau khi tốt nghiệp đại học có thể kiếm được việc làm khả dĩ đủ bảo đảm đời sống, còn nếu có tấm bằng đại học trong tay mà tìm mãi việc làm không được hoặc được nhận làm hợp đồng với số tiền lương thấp hơn “ôsin” thời nay thì thật đáng buồn!

 

Cho nên muốn hướng nghiệp có hiệu quả và đúng với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, thì phải bắt đầu từ chính sách cán bộ gắn liền với chế độ lương bổng đối với các ngành nghề chưa có sức hấp dẫn hiện nay.