Xin đừng “đổ tội” cho nông dân

Sau sự cố đáng buồn về lễ hội hoa đầu năm ở Hà Nội, một vị giáo sư văn hóa học đã cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là xuất phát từ văn hóa nông thôn, “chất nông thôn” lấn át chất thành thị.

Ngoài ra, một số người khi nói về những thói hư tật xấu của người đời có khuynh hướng “đổ tội” cho người nông dân, cho văn hóa nông thôn. Thực ra, nên có một cái nhìn khách quan, biện chứng về vấn đề này.                                                                   

Nông dân là tư hữu, tư lợi?            

Về ý kiến của vị giáo sư nọ đã bị phản đối nhiều nên chúng tôi không trình bày lại, mà chỉ xin nói về một số phương diện khác. Một quan niệm rất phổ biến cho rằng người nông dân có bản chất tư hữu, tư lợi, tầm nhìn hạn hẹp, suy nghĩ “cò con”…Xin “đính chính” rằng, tư hữu, tư lợi không chỉ là “sở hữu” riêng của người nông dân, mà nó thuộc về “nhân loại tính”. Chẳng lẽ giai cấp tư sản, tiểu tư sản, và cả công nhân…không có tư tưởng tư hữu, tư lợi?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Đã là con người thì ai cũng biết lo cho bản thân mình, gia đình mình, rồi mới đến làng xóm, địa phương, đất nước… Nếu một người nào đó không biết lo cho bản thân mình thì làm sao có thể lo cho người khác được. Tư hữu không những là một thuộc tính mà còn là một động lực mạnh mẽ để con người phấn đấu vươn lên, xã hội phát triển. Điều này đã được thực tế chứng minh mà rõ nhất là sự thất bại của mô hình sản xuất tập thể một thời. Hiện nay xu hướng cổ phần hóa của các doanh nghiệp, thực chất cũng là tư hữu hóa tới một giới hạn cần thiết, đang được xác định là một hướng đi tất yếu của kinh tế nước ta.            

Dĩ nhiên, cái gì thái quá cũng không tốt, vì thái quá sẽ đi đến bất cập. Nếu như ai cũng chỉ biết vun vén cho bản thân, với lòng tham vô đáy, vô cảm với chung quanh, không có trách nhiệm cộng đồng thì xã hội sẽ rối loạn.                                  

Người nông dân ngày xưa do cuộc sống khó khăn nên phải cố gắng sản xuất, chi tiêu tằn tiện, vun vén, tính toán từng mớ rau, con cá, cân thóc. Đó là một cách ứng xử do hoàn cảnh tạo nên, và thực chất không xấu, thậm chí cần khuyến khích. Những ai chê trách người nông dân tư hữu, tư lợi hẳn không biết họ chính là tác giả của những câu ca dao rất “hoành tráng”, hào sảng: “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”.

Trong những năm tháng đất nước gian lao, chính người nông dân đã không tiếc tài sản, xương máu cho Tổ quốc. Thời chống Mỹ, ở Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, người dân đã dỡ 130 ngôi nhà để làm đường cho xe qua, nay thành làng K. 130 nổi tiếng. Và có sự hi sinh nào cao quí hơn sự hi sinh tính mạng, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Những cách ứng xử tốt đẹp như “láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”…đều xuất phát từ ý thức cộng đồng rất cao của người nông dân.                    

Nông dân vụng về, thô thiển?

Chê trách những người vụng về, thô thiển, kém tinh tế, một số người thường nói “như nông dân” hay “nhà quê”. Thực ra cách nói có phần miệt thị này là kết quả của một cái nhìn lệch lạc. Đành rằng dù trong xã hội nào thì người nông dân cũng phải chịu nhiều thiệt thòi do ít học hành, mưu sinh vất vả do đó có những hạn chế nhất định về nhận thức, rồi trong cách ứng xử, lời ăn tiếng nói cũng có những chỗ chưa thực sự tao nhã.

Tuy nhiên, cho rằng thô thiển hay thô tục là bản chất của người nông dân thì hoàn toàn không đúng. Ví dụ, vì sao người nông dân thường nấu ăn kiểu “chặt to kho mặn”: không có đủ thức ăn, không có đủ gia vị, không có thời gian để chế biến cầu kì thì làm sao mà không chặt to kho mặn? Hoặc vì sao người nông dân thường “nói như quát” chứ không nhỏ nhẹ như người thành thị: bởi vì họ đã quen nói trong một không gian rộng, không có phương tiện kĩ thuật hỗ trợ, đòi hỏi phải có âm lượng lớn mới đến được với người nghe, hoặc do yêu cầu công việc như quát trâu bò chẳng hạn, đâu có thể nhỏ nhẹ, thỏ thẻ được. Và cũng do hoàn cảnh làm ăn vất vả mà vẫn không đủ ăn khiến con người dễ cáu gắt. Tuy nhiên, hoàn cảnh sống khó khăn cũng tôi luyện cho người nông dân những phẩm chất như chịu thương chịu khó, cần cù, kiên cường , ý thức vượt khó, sáng tạo…      

Hẳn ai đó chưa quên rằng, người nông dân chính là tác giả của một kho tàng nghệ thuật dân gian với nhiều loại hình phản ánh vẻ đẹp cao quý, lãng mạn, tinh tế của tâm hồn. Trong lĩnh vực ca dao viết về tình yêu, bên cạnh những câu ca mộc mạc có tính bông đùa như “Gặp em anh nắm cổ tay. Anh hỏi câu này có lấy anh không”, chiếm đa số là những bài ca hết sức tao nhã, hào hoa, tinh tế, đạt đến vẻ đẹp cổ điển, mẫu mực. Người nông dân cũng đã chế tác ra những sản phẩm thủ công vô cùng tinh xảo mà nhiều sản phẩm cho đến nay công nghệ hiện đại còn chào thua. Một miếng trầu cánh phượng, một làn điệu dân ca quan họ, một mái đình cong vút, một chiếc áo tứ thân…những hình ảnh đã trở thành biểu tượng của văn hóa nông thôn đều gặp nhau ở vẻ đẹp tinh tế, trang nhã.          

Nông dân vô nguyên tắc, coi thường pháp luật? 

Một số người cho rằng thói xấu “giờ cao su”, đi muộn về sớm của công chức là do chưa bỏ được thói quen của nông dân. Thực ra phải gọi cách ứng xử nói trên là thất tín hay gian lận mới đúng, và không nên đổ cho nông dân là “tác giả”. Đối với người nông dân, do đặc thù của sản xuất nông nghiệp cá thể nên vào lúc nông nhàn thì họ không việc gì phải vội vã, giờ giấc làm việc cũng do cá nhân tự sắp xếp, không cần thiết phải theo một trình tự chặt chẽ nào, miễn là hoàn thành. Nhưng người nông dân không hề tùy tiện trong công việc, bởi vì sản xuất phải theo lịch mùa vụ và phải tương đối kịp thời với làng xóm xung quanh, “làng đi đi theo làng”. Mặt khác, vào chính vụ thì giờ giấc làm việc của nông dân vô cùng căng thẳng, “một nắng hai sương”, quên cả ăn uống, nghỉ ngơi “làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai”, làm gì có chuyện đủng đỉnh, “giờ cao su”.

Nói nông dân có ý thức chấp hành pháp luật kém cũng không đúng. Thực ra trong xã hội xưa, vì những đặc thù của xã hội phong kiến kém phát triển nên không gian sinh tồn của người nông dân chủ yếu bị giới hạn bởi lũy tre làng. Nhưng trong mỗi làng đều có những luật lệ, hương ước được người dân tuân thủ với ý thức tự giác cao, có sức mạnh để điều chỉnh hành vi cá nhân. Câu tục ngữ “Phép vua thua lệ làng” phản ánh thực tế đó. Có thể coi lệ làng như một kiểu luật pháp có tính sơ khai, vậy thì ý thức tuân thủ pháp luật của người nông dân đâu có thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, người nông dân rất coi trọng tôn ti, thứ bậc trong xã hội và trong gia đình.

Dĩ nhiên, trong nông thôn hiện nay vẫn còn nhiều tệ nạn, hủ tục, nhiều người có thói hư tật xấu, song không nên khái quát thành bản chất của người nông dân và nông thôn. Biện chứng là đặc trưng của tư duy khoa học, là cách duy nhất để tiếp cận chân lý. “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt), đối với khoa học xã hội, hầu như không có các tiên đề, định lý, định luật có giá trị tuyệt đối như khoa học tự nhiên.

Văn hóa nông thôn là cái nôi của văn hóa dân tộc với rất nhiều truyền thống tốt đẹp, đáng trân trọng, gìn giữ và phát huy.

  Lời giải cho tình trạng xuống cấp của đạo đức trong xã hội hiện tại hết sức rõ ràng: nâng cao đời sống cho người dân; hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật; bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Chúng tôi rất tâm đắc với ý tưởng của một bài viết trên Diễn đàn Dân trí thể hiện qua nhan đề “Dẹp thói xấu bằng pháp luật”. Một khi hệ thống pháp luật lỏng lẻo, nhiều kẽ hở thì thói xấu sẽ xuất hiện nhiều và ngược lại. 

Trần Quang Đại
(Giáo viên  trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)

LTS Dân trí - Hầu như mọi người Việt Nam ta đều có gốc gác từ nông thôn mà ra. Chê bai nông dân chính là chê bai ông cha mình mà thôi, nhưng nhìn nhận một giai cấp với tính khách quan để thấy cả ưu điểm và khuyết điểm thì đấy là điều cần thiết để xâydựng con người mới, nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Bài viết trên đây đóng góp một tiếng nói cần thiết trong khi chúng ta đang nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết “Tam nông” (Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn) của Đảng vào cuộc sống.