Bắc Ninh:

Xã “biến” nhà dân thành… đường tập thể

(Dân trí) - Đất thổ cư của ông cha tổ nghiệp có từ hàng trăm năm nhưng chính quyền địa phương cho rằng đó là đất của tập thể rồi thực hiện chủ trương “bê tông hóa” đường đi mà không có một quyết định hành chính nào…

Sự việc này xảy ra đối với gia đình ông Phạm Văn Xếp (thôn Bồng Lai, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) và chính quyền địa phương từ năm 2007 đến nay không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
 
Làm phúc phải… tội
 
Ông Phạm Văn Xếp kể: “Đó là đất thổ cư của dòng họ từ hàng trăm năm ông cha tôi đã sinh sống yên ổn hàng năm vẫn đóng thuế đất, đến khi các cụ mất đi thì để lại cho con cháu. Liền kề nhà tôi là nhà ông Phạm Văn Yên và hai gia đình có hai lối đi riêng”.
 
Xã “biến” nhà dân thành… đường tập thể - 1
Lối đi được gọi là đường tập thể "nằm" trên đất thổ cư nhà ông Xếp
 
Trước năm 1990, ông Yên bán toàn bộ nhà đất cho ông Phạm Văn Xuyến. Đến năm 1994 do việc đi lại khó khăn nên gia đình ông Xếp đã cắt đất thổ cư của mình để đắp đường đi mới và vì tình nghĩa làng xóm nên gia đình ông Xếp đã cho ông Xuyến đi nhờ sau khi ông Xuyến sang đặt vấn đề với bố ông Xếp (việc này được các cụ trong làng làm chứng).
 
Năm 2006, gia đình ông Xếp quy hoạch lại mảnh đất và mở lối đi mới nên đã thông báo với gia đình ông Xuyến chuyển về lối đi cũ rồi làm đơn gửi thôn, xã nhiều lần. “Tuy là đi nhờ nhưng khi gia đình tôi đề nghị thì ông Xuyến không đồng ý và dẫn đến tranh chấp” - ông Xếp cho biết.
 
Việc tranh chấp đất này đã được chính quyền địa phương tiến hành hỏa giải giữa 2 gia đình nhưng trên tinh thần để lại lối đi cũ cho nhà ông Xuyến và gọi đó là đất của tập thể. Vô lý bị mất đất, gia đình ông Xếp đã yêu cầu chính quyền xã giải quyết đúng pháp luật.
 
“Khi tôi hỏi việc chuyển đổi đất thổ cư sang đất tập thể diễn ra thời gian nào, có văn bản giấy tờ gì chứng nhận… thì ông Nguyễn Tiến Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Lai Hạ nói rằng phần giải quyết của xã thế là xong, còn lại gia đình tự đi mà làm?!” - ông Xếp bức xúc.
 
Năm 2007, theo chủ trương của huyện, dự án trải bê tông đường làng, thôn được UBND xã Lai Hạ triển khai (vốn 60% của dân) trong đó có việc “bê tông hóa” lối đi trên đất thổ cư của gia đình ông Xếp mà lãnh đạo xã vẫn gọi miệng là đất tập thể.
 
Theo quan sát ở khu vực tranh chấp, trên lối được gọi là đường của tập thể vẫn còn nguyên phần móng nhà ông Xếp được xây bằng gạch từ rất lâu. Cụ Nguyễn Văn Lư (tức Lam, gần 80 tuổi, lão thành cách mạng thôn Bồng Lai) xác nhận: “Sinh ra và lớn lên ở đây nên tôi biết lối mà gia đình ông Xuyến đang đi là đất thổ cư của gia đình ông Xếp”.
 
Một số cựu cán bộ thôn Bồng Lai cũng khẳng định trên ranh giới đất ở của nhà ông Xếp và ông Xuyến từ trước tới nay tập thể thôn và xã chưa từng có chủ trương mở đường.
 
“Tôi không rõ đường tập thể có từ bao giờ”
 
Trước sự việc này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Nha - Chủ tịch UBND xã Lai Hạ.
 
Xã “biến” nhà dân thành… đường tập thể - 2
Chủ tịch UBND xã Lai Hạ Phạm Hữu Nha: Tôi không rõ đường tập thể này có từ bao giờ, năm nào.
 
Ông Nha nói: “Sự việc này chúng tôi đã 2 lần hòa giải nhưng không thành nên cuối năm 2007 xã đã chuyển hồ sơ lên UBND huyện và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện giải quyết. Mới đây Phòng TN-MT có văn bản chính thức khẳng định đường đi này là của tập thể và chưa giao cho ai quản lý, sử dụng”.
 
Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông Nha cung cấp các văn bản, tài liệu khẳng định đó là đường đi của tập thể thì ông Nha không thể đưa ra với lí do cán bộ lưu trữ không có mặt ở trụ sở UBND xã.
 
Chưa hết, khi PV đặt câu hỏi đường tập thể này có từ năm nào, tại sao xã không có văn bản trả lời dứt điểm cho công dân thì ông Nha nói: “Bản đồ địa chính cứ 5 năm là thay đổi 1 lần nên tôi không rõ đường tập thể này có từ bao giờ, năm nào?!”
 
Liên quan đến phản ánh của gia đình ông Xếp về việc không hề nhận được văn bản cưỡng chế nào khi đổ bê tông đường đi trên đất thổ cư nhà mình mà lực lượng chức năng vẫn đến cưỡng chế và trấn áp người, ông Phạm Hữu Chiển - Trưởng Công an xã Lai Hạ cho rằng: “Đã gọi là đường tập thể thì cần gì phải có thông báo, đó cũng không phải là cưỡng chế. Chúng tôi chỉ làm công tác giữ gìn an ninh trật tự khi làm đường, còn hành động của ông Xếp là ăn vạ và cản trở người thi hành công vụ?!".
 
Nghe câu trả lời này của ông Chiển, gia đình ông Xếp vô cùng bức xúc vì theo ông Xếp người dân địa phương đã quay lại được buổi lực lượng chức năng xã Lai Hạ, huyện Lương Tài hành hung gia đình ông để “bê tông hóa đường tập thể” mà không có văn bản chính thức nào của cơ quan chức năng.
 
Sự việc diễn ra khá lâu với nhiều đơn thư gửi đi khắp nơi, ông Xếp chỉ mong được chính quyền xã Lai Hạ ra một văn bản chính thức để gia đình có hướng xử lý tiếp nhưng không hiểu vì lý do gì UBND xã Lai Hạ luôn lẩn tránh chức năng, nhiệm vụ của mình.
 
Châu Như Quỳnh