Vụ tìm công lý 35 m2 đất: Con liệt sĩ gửi tâm thư cầu cứu Bộ trưởng!

(Dân trí) - Cho rằng chính quyền địa phương tắc trách khiến gia đình có nguy cơ mất thửa đất đền ơn, con gái liệt sĩ Phạm Hữu Hằng đã viết tâm thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, hi vọng giữ lại được nơi thờ tự người có công với Tổ quốc trước ngày lễ tri ân 27/7.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Hiềng (69 tuổi, con gái bà Lê Thị Tứ), cho biết vừa gửi bức tâm thư cầu cứu Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, với hy vọng giữ lại thửa đất của gia đình được nhà nước đền ơn cho liệt sĩ Phạm Hữu Hằng (bố bà Hiềng), hiện đang bị chính quyền thu hồi, lên phương án cưỡng chế.

Trong bức tâm thư dài 4 trang, bà Hiềng bày tỏ những bức xúc mà gia đình gặp phải trong việc tìm công lý 35 m2 đất. Bà cho rằng, chính quyền địa phương tự ý biến đất của gia đình bà thành đất mượn, thu hồi là không đúng. Việc cưỡng chế đất nơi thờ tự người có công với Tổ quốc như "nhát dao" khứa sâu vào nỗi đau thương, mất mát của gia đình vốn đã được xoa dịu theo năm tháng.

Vụ tìm công lý 35 m2 đất: Con liệt sĩ gửi tâm thư cầu cứu Bộ trưởng! - Ảnh 1.

Vụ tìm công lý 35 m2 đất: Con liệt sĩ gửi tâm thư cầu cứu Bộ trưởng! - Ảnh 2.

Những bức xúc của gia đình 15 năm qua được bà Hiềng trình bày trong bức tâm thư.

Trong thư, bà Hiềng chia sẻ cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT): "Bố tôi hi sinh năm 1951 khi đó mẹ tôi mới ngoài 20 tuổi. Ông để lại cho bà 2 đứa con thơ dại trong lúc chiến tranh. Mẹ tôi mất đi chỗ dựa của cả cuộc đời, một mình lầm lũi kiếm sống nuôi 2 đứa con dại mồ côi cha. Hai anh em tôi từ khi sinh ra cho tới ngày hôm nay chưa bao giờ được cất tiếng gọi bố ơi!. Chưa từng được nhìn thấy mặt bố, nỗi mất mát đau thương này có gì bù đắp nổi".

Bà Hiềng cũng bày tỏ tâm nguyện của mẹ mình - một người vợ liệt sĩ đã 95 tuổi, bị tai biến não, giờ không thể đi lại, luôn phải có người chăm sóc là mong giữ lại mảnh đất nhà nước đền ơn đáp nghĩa này để xây căn nhà nhỏ lấy chỗ thờ chồng.

Trong bức tâm thư cầu cứu Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bà Hiềng một lần nữa khẳng định những chứng cứ gia đình đang có, cùng với những nhân chứng lịch sử là cán bộ xã Khánh Nhạc năm 1980 - 1983, mảnh đất của gia đình bà không phải đất mượn.

"Mảnh đất được đền ơn và gia đình ở từ rất lâu, nhiều lần gửi đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng chính quyền địa phương cho là đất mượn không cấp “sổ đỏ". Đã qua 13 lần họp giữa cán bộ xã và gia đình, cán bộ xã, huyện bỏ qua lịch sử để lại, bất chấp pháp luật, bác bỏ mọi tài liệu mà gia đình còn lưu giữ được làm bằng chứng chính minh mảnh đất gia đình đang ở là hợp pháp”, bức tâm thư viết.

Cuối bức tâm thư, bà cầu cứu Bộ trưởng TNMT: "Tôi viết lá thư này không thể nói hết được nỗi đau, lo lắng của gia đình tôi phải qua 15 năm đi đòi quyền lợi. Tôi và gia đình rất mong Bộ trưởng quan tâm cử cán bộ có tâm, có đức về địa phương tìm hiểu sự việc thì sẽ hiểu rõ mảnh đất của gia đình tôi".

Trước đó, báo Dân trí đã có nhiều bài viết phản ánh về việc thu hồi đất có sự khuất tất đối với gia đình bà Lê Thị Tứ - vợ liệt sĩ. Mảnh đất của gia đình được Nhà nước đền ơn từ năm 1980, đến năm 2001 chính quyền xã Khánh Nhạc "biến" 35 m3 này thành đất mượn, nhiều lần lên phương án thu hồi cưỡng chế.

Trong các cuộc đối thoại với gia đình bà Tứ, chính quyền xã, huyện cũng không đưa ra được bằng chứng, chứng minh đất của gia đình là đất mượn. Còn gia đình bà Tứ hiện vẫn còn lưu giữ tờ giấy mời của UBND xã Khánh Nhạc năm 1981 (do ông Trần Cường, nguyên Thư ký ủy ban xã ký) mời gia đình đến ủy ban xã với nội dung chấp thuận việc chuyển đổi thửa đất bên Quốc lộ 10.

Vụ tìm công lý 35 m2 đất: Con liệt sĩ gửi tâm thư cầu cứu Bộ trưởng! - Ảnh 3.

Cụ Lê Thị Tứ (95 tuổi) - vợ liệt sĩ Phạm Hữu Hằng nhiều năm đòi công lý đất gia đình được đền ơn nhưng không được. Giờ tuổi cao sức yếu bà mong muốn giữ lại được thửa đất làm nơi thờ tự chồng, anh chồng đều là liệt sĩ và mẹ chồng là Mẹ VNAH.

Trao đổi với PV Dân trí, một số người nguyên là lãnh đạo xã Khánh Nhạc những năm 1980 cũng khẳng định, đất của gia đình bà Tứ là đất được đền ơn, được chính quyền cấp cùng thời điểm với những gia đình chính sách khác, không phải là đất mượn. Không hiểu sao nhiều hộ khác được cấp GCNQSDĐ, còn hộ bà Tứ lại không được.

Tuy nhiên, những bằng chứng, tài liệu, ý kiến trên đều bị xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh phủ nhận. UBND huyện Yên Khánh dựa theo một quyết định từ năm 2006 để giải quyết khiếu nại của gia đình bà Tứ mà không làm rõ những vấn đề còn nhiều khuất tất. Bên cạnh đó, còn viện nhiều lý do để không cấp GCNQSDĐ cho gia đình, lên phương án cưỡng chế thửa đất để bàn giao cho Ban quản lý chợ Nhạc xây ki-ốt cho thuê.

Làm việc với PV Dân trí, lãnh đạo UBND xã Khánh Nhạc từ chối cung cấp thông tin liên quan đến việc ra quyết định thu hồi đất của gia đình bà Tứ. Lãnh đạo huyện Yên Khánh cũng từ chối cung cấp những tài liệu có liên quan như bản đồ thửa đất, bản cam kết giữa bà Tứ với UBND xã Khánh Nhạc..

Đại diện UBND huyện Yên Khánh là ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra huyện cũng không đưa ra bằng chứng chứng minh đất hộ bà Tứ là đất mượn và luôn khẳng định huyện làm đúng chủ trương, theo đúng quy định của pháp luật, sẽ cưỡng chế thửa đất đó.

Trước ngày 27/7, gia đình bà Lê Thị Tứ luôn đau đáu nỗi lo mất thửa đất 35m2 - nơi thờ tự người có công với Tổ quốc. Chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái nào giải quyết vụ việc cho thấu tình hợp lý. Trước những khuất tất trong vụ việc, con gái liệt sĩ đã phải gửi tâm thư cầu cứu Bộ trưởng TNMT với hi vọng tìm thấy sự công bằng cho gia đình.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá